Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mua thuốc kháng vi rút phải có đơn của bác sĩ

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh để quyết định có cần thiết phải sử dụng loại thuốc này trong quá trình điều trị hay không và chịu trách nhiệm khi kê đơn cho bệnh nhân của mình.

Trả lời về việc phân bổ thuốc điều trị COVID-19, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay, vừa qua, Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất và cung ứng ra thị trường thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir cho 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH liên doanh Stellapharm Việt Nam, Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam và Công ty CP dược phẩm Mekophar. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Hiện nay, các công ty đã cung ứng sản phẩm tới các công ty bán lẻ thuốc đủ điều kiện trên địa bàn TP. Do đây là loại thuốc kháng vi rút đặc biệt nên người dân chỉ có thể mua khi được bác sĩ kê đơn. Theo đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh để quyết định có cần thiết phải sử dụng loại thuốc này trong quá trình điều trị hay không và chịu trách nhiệm khi kê đơn cho bệnh nhân của mình.

2202241640

Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế để có hướng dẫn thống nhất, cụ thể cho các công ty bán lẻ thuốc trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, thống kê ngày 23/2 cho thấy , tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 tại TPHCM đạt 98,6%, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi đạt 81,73%. Như vậy, công tác tiêm chủng bổ sung đang được TPHCM thực hiện đúng theo kế hoạch.

Lãnh đạo HCDC nhìn nhận, ở trẻ em từ 12-17 tuổi, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận để tiêm vaccine COVID-19 cho con em vẫn chưa cao. “Do đó, mong các bậc phụ huynh hợp tác, đồng thuận để trẻ từ 12-17 tuổi được phủ vắc xin đầy đủ 2 mũi theo quy định”, ông Tâm nói.

Về biến chủng mới Omicron, Phó Giám đốc HCDC cho biết, biến chủng này được xác định có nguồn lây từ nước ngoài, có khả năng vào TP.HCM thông qua nhập cảnh tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng hải TP.HCM. Cũng không loại trừ khả năng, người nhập cảnh thông qua cửa khẩu Mộc Bài, các cửa khẩu miền Bắc, miền Trung và di chuyển vào TP.HCM bằng nhiều phương tiện.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, hệ thống giám sát của Sở Y tế cho thấy, những ngày qua số ca mắc mới tăng cao hơn so với giai đoạn trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhất là số lượng ca trẻ em (tuần 14/2 đến 21/2 cao gấp 3 lần so với tuần 7/2 – 13/2).

Dự báo con số này sẽ còn tăng cao hơn, do chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ Tết và hoạt động dạy và học đã được tổ chức trực tiếp ở các bậc học. Cạnh đó, biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh.

Tuy nhiên, ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan nhưng không nên quá hoang mang. Bởi vì, các ca nhập viện, số ca thở máy, ca nặng và ca tử vong không tăng so với trước đây, đạt mức thấp nhất trong thời gian qua. Chứng tỏ các giải pháp phòng chống dịch của TP đang đi đúng hướng.

Mặt khác, TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ, mở rộng đối tượng đối với người từ 50 tuổi trở lên. Đối với nhóm trẻ em, học sinh, TP cũng đã có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong thu dung, điều trị khi số lượng trẻ mắc tăng cao.