Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mùa Trung thu bình lặng…

(Dân sinh) - Tết Trung thu đã tới! Những năm trước, không khí rộn rã tưng bừng bao trùm khắp phố xá, xóm làng, nhưng năm nay không khí có vẻ trầm lắng hơn.

Mặc dù đây đó vẫn có những tụ điểm tổ chức lễ hội khá xôm tụ, nhưng những sự kiện như vậy chỉ diễn ra một cách đơn lẻ, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn. Còn ở nhiều nơi khác, trẻ em dường như không được "tắm mình" trong không khí hội hè vui vẻ.

Thật ra, nhiều người cho rằng không khí Tết Trung thu đã "nhạt" dần từ nhiều năm trước. Không còn nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, cũng không có nhiều sản phẩm truyền thống được người lớn dành tặng cho trẻ em, trong khi Trung thu là Tết thiếu nhi, theo tập quán lâu đời của dân tộc.

Mùa Trung thu bình lặng… - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đặc biệt năm nay, khi đời sống của nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì việc chăm lo cho con em trong mỗi gia đình cũng thiếu nhiều điều kiện. Không chỉ vấn đề thiếu tài chính, mà những mối lo toan của người lớn đang chiếm hết tâm trí của họ, và trẻ em đành phải chịu thiệt.

Tại sao không khí Tết Trung thu lại bị "nhạt"? Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi trên, nhưng tựu trung lại Tết Trung thu đã bị không ít người lớn làm cho "biến chất", bị thương mại hóa với nhiều động cơ không xuất phát từ lợi ích của trẻ em.

Việc giữ gìn bản sắc của một lễ hội lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như Tết Trung thu, lẽ ra phải được nhiều cơ quan chức năng, đơn vị, mỗi gia đình và các cá nhân đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng, thì trong thực tế việc này đã bị xem nhẹ và… "thả nổi".

Đó là một mất mát đối với mọi người, nhất là với trẻ em.

Mùa Trung thu bình lặng… - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Liên tưởng tới Tết Trung thu mà người viết đã được chứng kiến ở Đài Loan cách đây ít lâu, với người Trung Hoa, Tết Trung thu là tết của đoàn tụ gia đình. Mặc dù cuộc sống trong một xã hội công nghiệp phát triển như Đài Loan luôn hối hả, bận bịu, rất nhiều người phải đi làm ăn xa, nhưng trong mùa Trung thu ấy, người viết đã lấy làm xúc động khi thấy cảnh những gia đình ở một vùng nông thôn mang lò than ra trước cửa để nướng thịt, chờ đón người thân từ phương xa về cùng chung bữa tiệc đoàn tụ.

Một người dân địa phương cho biết, tập tục đó tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, và đến nay không hề bị mai một. Thậm chí, với những lợi thế của đời sống hiện đại, của công nghệ, người ta còn bổ sung, bồi đắp để các cuộc vui trong mùa Tết đoàn viên trở nên vui vẻ, ý nghĩa hơn.

Thế mới thấy, giữ gìn và tôn tạo một tập tục với tư cách là một di sản tinh thần từ cha ông để lại là điều rất quan trọng đối với một dân tộc. Và để làm được việc ấy, trước hết mỗi thành viên trong xã hội cần ý thức được trách nhiệm của mình, không làm cho di sản ấy bị biến dạng, mà phải giữ cho bằng được bản chất vốn có của nó.

Hy vọng trong những năm tới, trẻ em Việt Nam sẽ lại có được những mùa Trung thu thực sự là Tết của thiếu nhi, là dịp để những người lớn bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới các em như tập tục truyền thống mà cha ông đã truyền lại bao đời nay.