Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mùa xuân trong ca dao Việt Nam

Theo luân chuyển tự nhiên của trời đất, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì vẻ đẹp mùa xuân được ca dao Việt Nam thể hiện rất phong phú, đa dạng với nhiều cảnh huống, trạng thái khác nhau, nhưng đều mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Hoa đào mùa xuân xuất hiện nhiều trong ca dao.

Hoa đào mùa xuân xuất hiện nhiều trong ca dao.

1. Người xưa nhận xét: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn”, nghĩa là mùa xuân là mùa sinh sôi nảy nở; mùa hạ trưởng thành; mùa thu tích tụ và mùa đông úa tàn, đó là quy luật của tự nhiên. Qua quan sát vạn vật trong bốn mùa luân chuyển, ông cha ta đã nghiệm ra chính sự giao thoa giữa các mùa tạo nên nhịp điệu thời gian, nhịp điệu cuộc sống. Theo đó, mùa nào, trạng thái nào của vạn vật trong cuộc sống cũng có thi vị riêng, bởi nếu không có mùa đông tàn rữa, ủ mầm thì sao có xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm để chuẩn bị cho một chu kỳ thời gian mới. Con người chính là một phần của Mẹ thiên nhiên vĩ đại, nên không nằm ngoài quy luật ấy. Tùy theo từng giai đoạn, tuổi tác, hoàn cảnh mà mỗi người có nhịp điệu cuộc sống riêng.

Mùa xuân, mùa trăm hoa đua nở, muôn chim đua hót, vì thế vẻ đẹp của mùa xuân trong ca dao luôn gắn với vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời: “Xuân về cúc lại nở hoa/ Trên cành chim sáo hát ca rộn ràng”. Nhắc đến mùa xuân khiến lòng người xao động, bâng khuâng những cung bậc cảm xúc thật khó diễn đạt hết bằng lời: “Mỗi khi nghe nói đến xuân/Bỗng dưng lòng thấy bâng khuâng ít nhiều”.

Mùa xuân và hoa xuân được thể hiện như một cặp tình nhân song hành khăng khít, một bên vô hình, một bên hữu ảnh quấn quýt, không nỡ rời xa nhau: “Trót đà hẹn với mùa xuân/Một năm hoa nở mấy lần son tô/Xuân chưa đến hoa thập thò mãi/Hoa đến rồi xuân ngấp ngoái theo/ Chiều xuân hoa khiến bài điều/Chiều hoa xuân lại lắm điều ong ve”. Thông qua những câu ca dao, người đọc cảm nhận mùa xuân và hoa ở đây không còn đơn thuần là mùa xuân và hoa của đất trời nữa mà đã được nhân cách hóa thành “xuân” chính là chàng, “hoa” chính là nàng: “Vườn xuân hoa nở đầy giàn/Ngăn con bướm lại kẻo tàn như hoa”. Hoa chính là biểu tượng của sắc đẹp, của tình yêu và vườn xuân chính là vườn tình, tặng hoa là dâng hiến tình yêu cho người mình yêu.

Mùa xuân luôn được ví với tuổi trẻ, tuổi của tình yêu đôi lứa và là tuổi đẹp nhất của đời người. Chính vì thế, người xưa thường dùng hình ảnh mùa xuân như một ẩn dụ để bộc lộ tâm trạng trong những tình huống của quan hệ lứa đôi yêu đương. Nói đến mùa xuân và thú du xuân hay nôm na là chơi xuân, bao giờ cũng phải có đủ nam đủ nữ mới nên xuân, phải có tình yêu lứa đôi thì mùa xuân mới thêm đắm say rạo rực nồng nàn: “Ăn chi cho hết tháng hai/Cho làng đóng đám cho trai dọn đình/Trong thì chiêng chống rập rình/Ngoài thì trai gái tự tình cùng nhau”.

Lễ rước kiệu ở Hội Gióng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Lễ rước kiệu ở Hội Gióng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

2. “Nắng mưa là chuyện của trời”, là lẽ tự nhiên của trời đất, nhưng nắng xuân và mưa xuân lại là những cung bậc cảm xúc thật lãng mạn trữ tình đối với các nghệ nhân dân gian: “Tháng Giêng là nắng hơi hơi/Tháng Hai là nắng giữa trời nắng ra”. Đó là thời khắc mặt trời sau những tháng “ngủ đông” đã bừng giấc mang về cho mùa xuân cái nắng thật nhẹ nhàng, ấm áp tràn đầy sức sống, xua đi những ngày đông u ám.

Tâm hồn người nghệ nhân dân gian luôn nhạy cảm với tiết xuân, nhất là với những cơn mưa đầu xuân nhẹ nhàng phơi phới bay thật êm đềm, không chút ồn ào như những cơn mưa mùa hạ, không day dứt lê thê buốt giá như những cơn mưa mùa đông. “Tháng Giêng là tiết mưa xuân/Tháng Hai mưa nụ ái ân ngọt ngào”. Những cơn mưa phùn “phơi phới bay” của tháng Giêng, Hai trong ca dao thật tình tứ.  Đó là những cơn mưa xuân gợi lên trong lòng người niềm vui, sự hy vọng và ước mơ về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. 

Tuy nhiên, tùy tâm trạng và hoàn cảnh của mỗi người, mà những cơn mưa xuân lất phất phơi phới ấy, có lúc lại là nguồn cơn của những nỗi buồn, sự hẩm hiu về thân phận của phụ nữ trong xã hội xưa. “Tháng Một là tiết mưa xuân/Tháng Hai mưa bụi dần dần mưa ra/Đàn bà như hạt mưa xa/Mưa đâu mát đấy biết là đâu hơn”. Đồng thời những cơn mưa xuân lất phất ấy đôi khi cũng đồng nghĩa với niềm hy vọng vội tan và ước mơ không thành của một đấng nam nhi từng đeo đuổi, từng dày công vun đắp tình yêu: “Mưa xuân lác đác vườn đào/Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa/Ai làm gió táp mưa xa/Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn”. 

3. Người xưa chơi xuân là để hưởng thụ mùa xuân, hưởng thụ tuổi trẻ bởi họ luôn ý thức rằng mùa xuân và tuổi trẻ cũng mau qua như “bóng câu qua cửa sổ”. Tuổi trẻ đi qua rất nhanh và cái già cũng đến rất nhanh, khi đã đến tuổi già nua thì sự cường tráng của cơ thể cùng sự minh mẫn của trí tuệ cũng giảm sút. “Một năm một tuổi một đuổi xuân đi”… Họ nhận ra rằng mùa xuân của trời đất theo vòng luân chuyển của tiết mùa sẽ trở lại, nhưng tuổi trẻ, cái quãng đời đẹp nhất của mỗi người đã qua đi là không bao giờ trở lại, bởi thế ông cha ta có những lời khuyên thật thấm thía: “Ai ơi chơi lấy kẻo già/Măng non có lứa người ta có thì/Chơi xuân cho hết xuân đi/Cái già xồng xộc nó thì theo sau”… “Chơi xuân kẻo lỡ quá thì/Xuân qua ngoảnh lại còn gì là xuân/Chị em ơi trong cõi hồng trần/Chữ xuân chỉ có một lần mà thôi”.

Hát Quan họ ở Hội Lim, Bắc Ninh.

Hát Quan họ ở Hội Lim, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, dù chơi xuân, vui xuân đắm đuối đam mê “kẻo lỡ quá thì” là vậy, nhưng người xưa luôn khuyên những người “đầu xanh tuổi trẻ” nên hưởng thụ xuân một cách thật tao nhã, thật ý nghĩa. Bởi tuổi thanh xuân chính là khoảng thời gian đẹp nhất, nhiều cơ hội nhất, để con người ta có thể làm nên sự nghiệp vẻ vang trong cuộc đời. Vì thế, khi người ta còn trẻ không nên quá sa đà vào những thú vui tầm thường, để rồi đến lúc “da mồi, tóc bạc” lại hối tiếc “ngẫm cõi đời mà lo”, mà “luống những thẹn thò” với người đời.

Xuân về, Tết đến, đọc lại những bài ca dao nói về mùa xuân mới thấy tiếng Việt thật phong phú, tinh tế từ nghĩa cụ thể đến nghĩa khái quát, trừu tượng từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa hẹp đến nghĩa rộng và từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của lòng người, của tình người, của đời người. Qua đó cho thấy, các nghệ nhân dân gian thật xứng đáng là những bậc thầy về vận dụng cái hay, cái đẹp đầy biến hóa của ngôn ngữ mẹ đẻ, tạo nên những ấn tượng thẩm mỹ ở cấp độ rất cao.

Đu tiên trong lễ hội mùa xuân.

Đu tiên trong lễ hội mùa xuân.