Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mỹ tuyên bố "đã chấm dứt" đại dịch COVID-19

Đến sáng 21/9, thế giới có trên 617,86 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,53 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 18/9 vừa qua trong chương trình "60 Phút" của đài CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, đại dịch COVID-19 "đã chấm dứt" ở Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn giữ quan điểm khá thận trọng.

Theo Worldometers, đến sáng 21/9, thế giới có trên 617,86 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,53 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 97,55 triệu ca mắc và hơn 1,078 triệu trường hợp tử vong.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 18/9 vừa qua trong chương trình "60 Phút" của đài CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, đại dịch COVID-19 "đã chấm dứt" ở Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn giữ quan điểm khá thận trọng.

Ông Biden cho biết, đại dịch COVID-19 vẫn là vấn đề với nước Mỹ, nhưng nó đã chấm dứt tại quốc gia này, với dấu hiệu là người dân không còn đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ông Biden vẫn nhấn mạnh, ông không coi nhẹ tác động tổng thể của đại dịch. Trước tuyên bố này của Tổng thống Mỹ, các chuyên gia y tế cho rằng vẫn chưa phải là thời điểm có thể lơ là cảnh giác với đại dịch. Hiện Chính phủ Mỹ vẫn chỉ định COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. Theo thống kê của Đại học John Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc COVID-19 trong 28 ngày qua, với hàng trăm người tử vong vì căn bệnh này mỗi ngày.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 20/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,54 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 .

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 154.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Brazil có tổng số người nhiễm cao thứ tư thế giới với trên 34,63 triệu nhưng lại đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với gần 685.500 trường hợp.

Nhật Bản đã tiêm vaccine phòng biến thể Omicron cho người dân. (Ảnh: AP)

Nhật Bản đã tiêm vaccine phòng biến thể Omicron cho người dân. (Ảnh: AP)

 

Ngày 20/9, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cho người dân nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19.

Trong giai đoạn đầu, Nhật Bản ưu tiên tiêm cho những người từ 60 tuổi trở lên và các nhân viên y tế chưa tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ tư. Sau đó, vào khoảng giữa tháng 10, Nhật Bản sẽ mở rộng diện tiêm chủng sang các đối tượng từ 12 tuổi trở lên và đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine.

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tiêm miễn phí cho tất cả những người muốn tiêm vaccine này trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, thời điểm nguy cơ tái bùng phát của dịch bệnh rất cao. Loại vaccine được Nhật Bản sử dụng là vaccine phòng biến thể Omicron do các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna bào chế và đã được điều chỉnh để chống lại biến thể BA.1.

Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục đà giảm trong ngày thứ 5 liên tiếp và trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần qua, cho thấy làn sóng dịch bệnh lần này đang chậm lại.

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 19/9 thông báo, nước này ghi nhận 19.407 ca nhiễm mới, trong đó 289 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 24.413.873 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 11/7 dù người dân đi xét nghiệm ít hơn vào dịp cuối tuần. KDCA cho biết nước này cũng ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 27.867 người.

Tuy nhiên, ngày 20/9, Hàn Quốc lại báo cáo 47.864 ca mắc mới và 24 người thiệt mạng. Làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại Hàn Quốc nói trên đang trên đà suy giảm sau khi lây lan mạnh vào đầu tháng 7 và đạt đỉnh trên 180.000 ca/ngày vào giữa tháng 8 vừa qua.

Do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng lên và tỷ lệ lây nhiễm tự nhiên trong dân số trong làn sóng dịch bệnh thứ 5 cũng ở mức cao nên Hong Kong được cho là đã có hàng rào miễn dịch chống nguy cơ bệnh nặng. Ca bệnh nhập cảnh hiện chiếm khoảng 2% số ca được xác nhận, sẽ không gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, hoàn toàn có điều kiện thay thế cách ly bằng xét nghiệm, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Ngày 20/9, Hong Kong ghi nhận 5.594 ca mắc mới, phản ánh xu hướng giảm dần so với trên 10.000 trường hợp hàng ngày hồi đầu tháng 9.

Dịch COVID-19 đang tiếp tục đà giảm ở Thái Lan. (Ảnh: AP)

Dịch COVID-19 đang tiếp tục đà giảm ở Thái Lan. (Ảnh: AP)

 

Giới chuyên gia y tế Thái Lan nhận định, dịch COVID-19 đang tiếp tục đà giảm ở nước này và việc hạ cấp độ nguy hiểm của dịch COVID-19 có thể diễn ra đúng kế hoạch. Theo đánh giá, tình hình COVID-19 tại Thái Lan nhìn chung đã được cải thiện và số ca nhiễm mới tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, số ca nhiễm sẽ lại tăng lên khi thời tiết mát mẻ hơn từ tháng 1 đến tháng 3/2023, nhưng xu hướng lây lan sẽ không nghiêm trọng. Các nhóm dễ bị tổn thương nên tiêm 4 mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi người lớn khỏe mạnh dưới 60 tuổi nên tiêm ít nhất 3 mũi.

Trước đó, Thái Lan đã công bố kế hoạch từ đầu tháng 10 tới sẽ giải thể Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19, đồng thời coi COVID-19 chỉ là "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi", tức là ngang bệnh cúm mùa hay sốt xuất huyết. Theo thông báo của Bộ Y tế Thái Lan, ngày 20/9, nước này ghi nhận 774 ca mắc COVID-19 mới. Các biến thể BA.4.6 và BA.5 là những chủng chiếm ưu thế trong số các ca mắc COVID-19 hiện nay ở Thái Lan.