Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2019: Khoảng 20.000 người khuyết tật được đào tạo trình độ sơ cấp nghề

(Dân sinh) - Ngày 27/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn, đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2019: Khoảng 20.000 người khuyết tật được đào tạo trình độ sơ cấp nghề - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&H) cho biết, năm 2019, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các địa phương 17.517 tỷ đồng để  thực hiện Nghị định số 136 của Chính phủ và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay, cả nước có trên 1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở Bảo trợ xã hội. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của NKT.

Về chăm sóc y tế, năm qua Bộ Y tế đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả BHYT cho NKT; Phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Y tế thế giới và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam đánh giá thực trạng hệ thống phục hồi chức năng Việt Nam nhằm xác định thực trạng và xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới phục hồi chức năng và chiến lược quốc gia phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2021-2030. Đến nay, cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các địa phương tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng, bình đẳng và thân thiện đối với NKT, đặc biệt chú trọng công tác huy động trẻ khuyết tật đi học và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.

Năm 2019: Khoảng 20.000 người khuyết tật được đào tạo trình độ sơ cấp nghề - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, năm 2019: Khoảng 20.000 người khuyết tật được đào tạo trình độ sơ cấp nghề.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ, ngành, địa phương, năm 2019, cả nước tuyển sinh khoảng 20.000 NKT trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; giải quyết việc làm cho khoảng 1,508 triệu lao động, trong đó khoảng 10% là NKT. Triển khai Nghị định số 61 của Chính phủ về Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với NKT và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT. Năm 2019 đã hỗ trợ cho 2.277 NKT vay vốn để tạo việc làm, duy trì việc làm và mở rộng việc làm.. Riêng Hội Người mù Việt Nam năm 2019 được giao gần 51 tỷ triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT. Hiện có 359 cơ sở, trong đó 236 cơ sở xoa bóp, 123 cơ sở sản xuất thủ công.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hồi, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn như: Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm. Một số Bộ, ngành, địa phương thiếu quan tâm, coi công tác NKT là trách nhiệm của riêng ngành LĐ-TB&XH nên chưa xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT hàng năm và cả giai đoạn, không có giải pháp để tổ chức thực hiện mục tiêu về trợ giúp NKT thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình; Một số địa phương chưa thành lập Ban công tác NKT, hoặc đã thành lập nhưng hoạt động mang tính hình thức. Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất, nhất là ở khu vực nông thôn, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật NKT.

Năm 2019: Khoảng 20.000 người khuyết tật được đào tạo trình độ sơ cấp nghề - Ảnh 3.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả chưa cao, mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp. Số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Việc thành lập tổ chức của NKT ở một số địa phương khó khăn, do không có sự tham gia của đại diện tổ chức hội của NKT tại cấp xã, phường nên ảnh hưởng đến hoạt động cấp giấy xác nhận khuyết tật ở cấp xã.

"Trong thời gian tới, các thành viên Ủy ban cần tập trung rà soát, đánh giá các đề án để tham mưu xây dựng trình đề án, chương trình giai đoạn tới; tăng cường kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số bộ, ngành, địa phương. Xây dựng chương trình, tài liệu; đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp NKT các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục hòa nhập cho NKT. Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...", Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho hay.

Phát huy sức mạnh, làm tốt công tác trợ giúp người khuyết tật

Tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ban, ngành là thành viên của Ủy ban Quốc gia về NKT đã trao đổi thảo luận xung quanh vấn đề liên quan đến NKT như: Mức trợ cấp, việc làm, giao thông tiếp cận cần có hội nghị chuyển đề riêng biệt. Ngoài ra, hệ thống chính sách trợ giúp NKT cơ bản đầy đủ, song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ủy ban cần có nhiều hoạt động kết nối thúc đẩy hoạt động của các bộ, ngành để thực hiện chính sách tốt hơn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, qua nhiều ý kiến của các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, khách quan tiếp tục tiếp thu hoàn chỉnh báo cáo. Năm 2019, có nhiều điểm mới trong việc ban hành văn bản liên quan đến NKT như: Bộ luật Lao động; các nội dung về NKT được phân bổ nằm rải rác trong các luật, chính sách. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị chung về NKT, Bộ LĐ-TB&XH tập trung xây dựng kế hoạch trình Chính phủ; một số địa phương trình HĐND tăng mức trợ cấp NKT; công tác truyền thông về trợ giúp NKT được tăng cường; trong các ngày lễ, Tết có nhiều hoạt động thiết thực; nhiều địa phương có cách làm sáng tạo. Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, tiếp cận giao thông, trợ giúp pháp lý cho NKT đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2019: Khoảng 20.000 người khuyết tật được đào tạo trình độ sơ cấp nghề - Ảnh 4.

Các đại biểu dự hội nghị.

"Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn sự phân biệt đối xử với NKT, mức trợ cấp còn thấp. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tập trung rà soát lại để có điều chỉnh hợp lý cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo độ bao phủ; làm sao để phát triển kinh tế nhưng cũng phải phát triển đồng nghĩa với vấn đề chăm lo xã hội; tập trung đánh giá tổng kết Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và chuẩn bị cho đề án tiếp theo 2021 – 3030; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát luật chuyên ngành để sửa đổi bổ sung cho phù với Bộ luật, quy định; Hướng dẫn các địa phương quan tâm chỉ đạo công tác NKT, đặc biệt bố trí nguồn kinh phí trợ giúp NKT; tiếp tục hỗ trợ các hội liên quan đến NKT vận động nguồn lực để phát huy vai trò; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, trong nước và ngoài nước phát huy toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm tốt công tác trợ giúp NKT", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.