Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2020: Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%

(Dân sinh) - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2020, mục tiêu giảm nghèo dự kiến sẽ giảm từ 3,75% (năm 2019) xuống còn dưới 3% (năm 2020), bình quân giảm khoảng 1-1,5%/năm; tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%/năm so với năm 2019, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao.

Năm 2020, ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 10.059,141 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (tập trung vào các công trình đường giao thông, trường học, trạm y tế…); hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức và hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2020: Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3% - Ảnh 1.

Người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi để làm giàu.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo số liệu tổng hợp từ kết quả rà soát hộ nghèo năm 2019 của các địa phương, cả nước hiện còn 8.464 hộ nghèo có thành viên là người có công tại 40 tỉnh, thành phố, giảm 36,26% so với năm 2017.

Hộ nghèo có thành viên là người có công gồm 2 nhóm. Đó là hộ nghèo không còn sức lao động gồm: Các thành viên không còn sức lao động (chỉ gồm người già yếu, đau ốm, bệnh tật kéo dài hoặc người già yếu ở với trẻ em trong độ tuổi đi học), nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào kinh phí trợ cấp chế độ người có công, không thể hỗ trợ thoát nghèo bằng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo do các chính sách giảm nghèo hiện hành được thiết kế theo hướng hỗ trợ có điều kiện như các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo dự án, mô hình, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm…

Đối với nhóm này, đa phần các địa phương hỗ trợ theo hình thức cấp bù tiền mặt và một số hình thức hỗ trợ kinh phí, hiện vật khác để đảm bảo điều kiện sống và khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ gia đình để đưa hộ gia đình thoát nghèo. Phương thức này có ưu điểm: Có thể hỗ trợ thoát nghèo nhanh khi có đủ nguồn lực; nhược điểm: cần duy trì nguồn lực hỗ trợ hằng năm để đảm bảo mức thu nhập của hộ gia đình trên chuẩn nghèo. Hai là hộ nghèo có thành viên có khả năng lao động, có thễ hỗ trợ vươn lên thoát nghèo bằng các chính sách giảm nghèo hiện hành. Đối với nhóm này, việc hỗ trợ thoát nghèo sẽ chậm hơn do cần thời gian để chính sách phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, nhưng khi thực hiện tốt sẽ đảm bảo hộ gia đình có thể thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, đưa ra các giải pháp, biện pháp thực hiện quyết liệt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là người có công trên địa bàn. Một số địa phương đã bố trí nguồn ngân sách địa phương, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, các nguồn vận động khác… cấp bù tiền mặt cho các hộ nghèo thuộc chính sách người có công để đảm bảo mức thu nhập vượt trên chuẩn nghèo hiện hành, qua đó giải quyết dứt điểm số hộ nghèo có thành viên là người có công trên địa bàn.

Một số địa phương phân tích đặc điểm, thực trạng của các hộ gia đình để có giải pháp hỗ trợ thích hợp; xác định nhu cầu thiếu hụt của các hộ để hỗ trợ, đảm bảo điều kiện sống và khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn đón cha mẹ về ở chung, giải quyết đối với các trường hợp hộ nghèo có thành viên là người có công chỉ gồm người già neo đơn. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên, chúc thọ, mừng thọ, hỗ trợ tiền mặt và lương thực thời điểm giáp hạt đối với các hộ nghèo có thành viên là người có công.