Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2020: Hà Nội sẽ tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn

Năm 2020, thành phố đặt mục tiêu tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/người/năm

Ngày 23/3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND, triển khai phát triển ngành nghề nông thôn năm 2020. Theo kế hoạch, năm 2020, thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ đánh giá tác động môi trường cho 10 làng nghề đã được công nhận và đề nghị xét công nhận; đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn; tập huấn nâng cao năng lực làng nghề cho 2.400 lượt cán bộ quản lý các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và người lao động của làng nghề; tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/người/năm.

Năm 2020: Hà Nội sẽ tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/người/năm.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, UBND thành phố triển khai nhiều nội dung. Ngoài việc xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách, áp dụng khoa học và công nghệ, thành phố sẽ tập trung đào tạo nghề cho 13.100 người lao động nông thôn, trong đó: Nghề nông nghiệp cho 8.322 người; nghề phi nông nghiệp 4.778 người. Cùng với đó, tập huấn nâng cao năng lực làng nghề cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và người lao động của làng nghề. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nghề nghiệp, kỹ năng dạy học cho các nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn và truyền nghề nhân cấy nghề…

Cùng với đó, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu các sản phẩm của các làng nghề nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, chợ thương mại điện tử; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

Thành phố cũng tập trung kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn nơi hoạt động ngành nghề, làng nghề còn nhiều khó khăn; bố trí kinh phí để hỗ trợ công tác phát triển nghề, làng nghề đảm bảo kịp thời, hiệu quả, trong đó ,tập trung ưu tiên các nhiệm vụ như đào tạo nghề, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, xử lý vướng mắc cho các cơ sở ngành nghề nông thôn về chính sách thuế, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, của thành phố. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các cơ sở làng nghề; tạo điều kiện và đẩy mạnh cho vay khách hàng, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng phát triển nghề và làng nghề. Hỗ trợ cho thành viên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và làng nghề vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, thành phố sẽ tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung... Phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề để khuyến khích phát triển các ngành nghề nông thôn sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế phát sinh chất thải và đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế hình thành và phát triển các loại hình có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề; tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề thuộc Đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030"