Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2021: Thể chế về ưu đãi người có công với cách mạng cơ bản đạt tiến độ

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2021, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), công tác xây dựng thể chế về ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã đảm bảo chất lượng và cơ bản đạt tiến độ.

Theo đó, Cục Người có công đã tham mưu, báo cáo trình Bộ trình Chính phủ 02 Nghị định và trình Bộ ban hành theo thẩm quyền 01 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh với kết quả cụ thể:

- Ngày 24/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

- Ngày 24/11/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8611/VPCP-KGVX gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ và gửi Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ban hành).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cùng các lãnh đạo Cục Người có công tại Hội nghị lấy ý kiến các Dự thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi Người có công

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cùng các lãnh đạo Cục Người có công tại Hội nghị lấy ý kiến các Dự thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi Người có công

Cùng với 02 Nghị định nêu trên, để có cơ sở thực hiện một số chính sách quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Cục Người có công đã tham mưu trình Bộ dự thảo Thông tư quy định về Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến (Thông tư đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật); trình Bộ ban hành Quyết định số 1355/QĐ-LĐTBXH ngày 02/12/2021 về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực người có công.

Trong các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh là văn bản quy phạm rất đặc biệt, được xây dựng chưa có tiền lệ, với việc thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020, đồng thời tích hợp, kế thừa các nội dung đã thực hiện phù hợp, tiến bộ và ổn định của gần 20 văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước đó (bao gồm các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và các Thông tư liên tịch).

Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng gồm 8 Chương, 185 Điều, 8 phụ lục, 104 biểu mẫu đã quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công; trình tự, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công; trình tự, thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Đây là văn bản rất quan trọng, đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo, triển khai chính sách ưu đãi người có công trên phạm vi cả nước.

Theo Cục Người có công, nhìn chung, công tác xây dựng thể chế về ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã đảm bảo chất lượng và cơ bản đạt tiến độ. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ, đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đồng thời tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.