Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nam Định tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người bán dâm

Xác định là địa bàn phức tạp, tập trung các nhóm tội phạm về mại dâm, trong 5 năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Nam Định đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm và là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm liên quan đến mại dâm

Trên địa bàn tỉnh Nam Định, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tập trung ở những địa bàn như thành phố Nam Định, thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu), xã Yên Bằng (huyện Ý Yên) tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình. Tuy không công khai, nhưng thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, kín đáo, tổ chức thành nhóm nhỏ, hoạt động trên diện rộng và xuất hiện ở cả khu vực thành thị, nông thôn, các khu du lịch, khu công nghiệp có nhiều công nhân lao động tự do.

Theo thống kê, toàn tỉnh Nam Định hiện có gần 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với gần 700 lao động nữ đang làm việc. Số đối tượng gái mại dâm bị bắt giữ, xử lý trong thời gian qua có độ tuổi ngày càng trẻ hóa, đa số gái mại dâm ở các vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, trình độ học vấn thấp. Trên 95% gái mại dâm là người ngoại tỉnh, sau khi vi phạm bị xử lý lại tiếp tục thực hiện hành vi bán dâm, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Nam Định tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người bán dâm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hoạt động của các nhóm tội phạm liên quan đến mại dâm ngày càng tinh vi, biến tướng dưới nhiều hình thức như: gái gọi, du lịch tình dục, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, môi giới qua internet, facebook, zalo.... Một số gái mại dâm thoát ly khỏi sự quản lý của chủ chứa, tự liên hệ giới thiệu khách mua dâm cho nhau và hình thành đường dây bán dâm tự phát. Một số chủ khách sạn, nhà hàng giao quyền cho lễ tân quản lý khách sạn điều hành hoạt động mua bán dâm để tránh bị kiểm tra, truy bắt của các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và việc buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường để dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí dùng thủ đoạn ép buộc các em tham gia bán dâm. Từ đó, hình thành các đường dây môi giới mại dâm liên huyện, liên tỉnh và tình trạng khách mua dâm phạm tội mua dâm người chưa thành niên, hành vi cấu thành tội hiếp dâm trẻ em, hình thành đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành của tỉnh Nam Định đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh lắp đặt hơn 5.000 panô, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm; đăng tải trên 1.000 tin, bài trên tạp chí Gia đình & Trẻ em, báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh các huyện/thành phố; tổ chức gần 1.900 buổi truyền thông với hơn 140.000 người tham gia; cấp phát 200.000 tờ rơi, sách mỏng về các chuyên đề phòng ngừa mại dâm, phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 50 buổi chiếu phim lưu động tại các xã vùng biển, vùng giáp ranh có tệ nạn mại dâm;...

Sở Lao động - TBXH phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 37.0 00 lượt cán bộ cấp cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã về kỹ năng tuyên truyền, vận động, phát hiện đường dây môi giới, mại dâm. 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức, duy trì các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm. Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, UBMTTQ tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát 4.600 người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội; gần 10.000 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, phạm tội để giáo dục cảm hóa, hỗ trợ. Kết quả, đã thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho 2.593 người tiến bộ, không mắc tệ nạn xã hội; hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn sản xuất kinh doanh cho 250 phụ nữ tham gia bán dâm hoặc nhóm người có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát giữa các ngành thuộc Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có chuyển biến tích cực. Từ năm 2016 đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh đã bắt, xử lý 125 vụ, 564 đối tượng liên quan, gồm 113 chủ chứa, 48 đối tượng môi giới mại dâm, 195 gái bán dâm, 208 khách mua dâm. Các lực lượng chức năng cấp tỉnh và huyện đã phối hợp, tiến hành kiểm tra 8.099 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện cảnh cáo nhắc nhở 1.310 cơ sở kinh doanh có vi phạm, phạt tiền 726 cơ sở với số tiền 1.300.904 triệu đồng (trong đó: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra 1.093 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phạt tiền 28 cơ sở vi phạm với số tiền 90.054 triệu đồng; Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra đấu tranh, triệt phá, xử lý hành chính 04 cơ sở với số tiền 57 triệu đồng; Công an các cấp kiểm tra 4.882 lượt cơ sở, phát hiện 1.479 cơ sở vi phạm, cảnh cáo 916 cơ sở, phạt tiền 563 cơ sở với số tiền xử phạt 1.063.350 triệu đồng; Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh và huyện đã tiến hành kiểm tra 2.120 lượt cơ sở, phát hiện 394 cơ sở vi phạm, rút giấy phép kinh doanh 02 cơ sở, đình chỉ kinh doanh 3 cơ sở, cảnh cáo 312 cơ sở, phạt tiền 131 cơ sở với số tiền 90.5 triệu đồng, chuyển hồ sơ sang Công an điều tra xử lý 04 cơ sở)...

Nam Định tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người bán dâm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Triển khai các dịch vụ xã hội phù hợp với thực tế

Ngay từ những năm đầu triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm như triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực giới thông qua nhóm tiếp cận viên đồng đẳng; thường xuyên cung cấp tài liệu, tập huấn nâng cao năng lực cho các nhóm; tổ chức hội nghị đồng thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội và chính quyền địa phương.

Sở Lao động -TBXH chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Y tế, UBMTTQ tỉnh tổ chức các mô hình phòng, chống mại dâm tại các địa bàn trọng điểm, thực hiện hoạt động trợ giúp, phòng ngừa, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm và người có nguy cơ cao. Thông qua hoạt động tập huấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn pháp lý, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, các mô hình ở địa phương đã hỗ trợ 2.330 lượt người bán dâm, tư vấn xét nghiệm cho 5.425 lượt người; giới thiệu 689 người tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV; triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi đối với 186 phụ nữ có hành vi mại dâm tại Thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và Thành phố Nam Định; triển khai các hoạt động truyền thông, giảm tác hại các bệnh xã hội, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS cho 22.451 phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm.

Thực hiện Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 phê duyệt Dự án xây dựng mô hình "Đảm bảo quyền của lao động nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn có tệ nạn mại dâm", Sở Lao động – TBXH tổ chức triển khai thí điểm mô hình tại Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (năm 2017); duy trì và mở rộng mô hình tại Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (năm 2018); tiếp tục mở rộng mô hình tại xã Yên Bằng, huyện Ý Yên (năm 2019). Năm 2020, tiếp tục thực hiện mô hình, đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện mô hình và xây dựng phương hướng, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Kết quả, thông qua mô hình đã thực hiện tiếp cận, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, sức khỏe, phòng chống bạo lực giới, vay vốn, học nghề cho trên 80% lao động; phối hợp tổ chức tư vấn, hỗ trợ cho 1.000 lượt đại biểu là chủ cơ sở và người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại, dự phòng HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, kết nối dịch vụ, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm tạo điều kiện, hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ; tư vấn, giới thiệu cho lao động tham gia các lớp dạy nghề. Phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm (tại Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy); rà soát thống kê số cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và số lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong đó, nhóm đồng đẳng tiếp cận 2.143 lượt người có nguy cơ cao để cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…

Thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu phòng, chống mại dâm phù hợp với thực tế, Nam Định sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nhận thức về phòng, chống mại dâm; triển khai các hoạt động can thiệp, giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới và mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm, nhất là đối với nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm; kiên quyết đấu tranh với tệ nạn mại dâm. Điều tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan đến mại dâm.