Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm học 2020 - 2021: Ngành Giáo dục thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản

(Dân sinh) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành giáo dục.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép

Năm học 2020 - 2021, toàn ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước phải đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập.

9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản năm học 2020-2021  - Ảnh 1.

Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp cơ bản.

Trong năm học 2020 - 2021 cần hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức triển khai thực hiện Đề án sau khi ban hành.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Chỉ thị nêu rõ, cần quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế mang tính đặc thù, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ này. Đặc biệt, cần thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học.

Bên cạnh quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, ngành Giáo dục tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Chỉ thị yêu cầu, tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.

Cũng trong năm học này, tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tinh giản nội dung dạy học; đẩy mạnh giáo dục STEM trong bậc phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2020 - 2021 cũng chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động giáo dục và trải nghiệm; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức GD&ĐT trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành; triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo phương thức thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.

9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản năm học 2020-2021  - Ảnh 2.

Trong năm học 2020 - 2021, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường.

Xử lý nghiêm tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT

5 nhóm giải pháp cơ bản được duy trì và phát triển theo hướng trọng tâm, chi tiết. Cùng với hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực đầu tư, khảo thí, kiểm định chất lượng và truyền thông, đáng chú ý là nhóm giải pháp "Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT.

Chỉ thị nêu rõ, triển khai bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, lối sống văn minh đối với cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, rà soát các vấn đề GD&ĐT trong toàn ngành để chủ động chỉ đạo giải quyết dứt điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập.

Trong năm học 2020 - 2021, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường. Theo Chỉ thị, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, nhất là việc thực hiện quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; công tác tuyển sinh, các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các hoạt động tư vấn du học. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng.

Chỉ thị nhấn mạnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm có tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 nhóm giải pháp cơ bản: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.