Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

(Dân sinh) - Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về, làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Theo đó, để các địa phương thực hiện việc đặt hàng, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho đối tượng.

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định của Luật phòng, chống mua bán người; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người; Thông tư số 35/2013/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2013 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định:

Cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cơ sở hỗ trợ nạn nhân chỉ được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trong phạm vi Giấy phép thành lập; tuân thủ pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác hỗ trợ nạn nhân của Bộ LĐ-TB&XH. Không cấp phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều này, theo Bộ LĐ-TB&XH, trong thực tế làm hạn chế một nguồn lực có thể huy động để giúp đỡ các nạn nhân. Nguồn lực này không chỉ dưới dạng vật chất, mà cả về nhân lực, kỹ năng quản lý, hỗ trợ về tâm lý, y tế cho nạn nhân mà một số tổ chức và cá nhân nước ngoài rất có kinh nghiệm.

Hầu hết các nạn nhân sau khi được xác minh, tiếp nhận đều mong muốn sớm trở về gia đình để làm ăn, ổn định cuộc sống. Một số ít nạn nhân trong thời gian chờ xác minh được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Tùy theo điều kiện của từng địa phương, khả năng của từng cơ sở trợ giúp xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội hoặc cả 2 trung tâm này.

Một số tỉnh do điều kiện khó khăn đã bố trí cơ sở điều dưỡng người có công hoặc Cơ sơ cai nghiện ma túy tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trên thực tế, có 51 Trung tâm Bảo trợ xã hội và 43 Trung tâm Công tác xã hội có chức năng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Mặc dù còn khó khăn nhưng tại các cơ sở này vẫn bố trí từ 1 đến 2 phòng, chuẩn bị tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, ngành LĐ-TB&XH đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân, trong đó, 2.891 nữ, 528 người dưới 18 tuổi.

Dựa trên nhu cầu của nạn nhân, có 2.216 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 1.347 người được hỗ trợ y tế, 2.105 người được tư vấn tâm lý, 1003 người được trợ giúp pháp lý, 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu và 72 người vay vốn sản xuất.

Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và việc xây dựng, thí điểm các mô hình trong chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cũng như sự chủ động của các tỉnh, thành phố, một số cơ sở, địa chỉ đã được thành lập với chức năng hỗ trợ nạn nhân.

Cụ thể là: Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang; Ngôi nhà Bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển. Các cơ sở này đã tiếp nhận, hỗ trợ cho nhiều nạn nhân.

Do vậy, để đa dạng hoá, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội nói chung, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động trợ giúp người dân yếu thế, dễ bị tổn thương tiếp cận các dịch vụ xã hội cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội;

Đi với đó, có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở trợ giúp xã hội đặc biệt là cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán;

Khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đủ điều kiện theo quy định tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân...

Xuất phát từ thực tiễn và cơ sở pháp lý trên, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán để các địa phương thực hiện việc đặt hàng, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho đối tượng.