Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực- Giải quyết “điểm nghẽn” cho ngành thang máy

Nguồn nhân lực là một trong những trụ cột quan trọng của ngành thang máy Việt Nam, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì chất lượng nhân lực ngành vẫn là vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp ngành và các cơ quan quản lý nhà nước- Vấn đề này được nêu ra tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” được Hiệp hội thang máy Việt Nam tổ chức sáng 13/7 tại Hà Nội với sự tài trợ của GamaLift và Gama Service.

Phát biểu của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Lê Văn Thanh cho biết, tại Việt Nam hiện nay, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đời sống của người dân tăng lên rõ rệt. Vì vậy, nhu cầu lắp đặt thang máy cho nhu cầu dân sinh và dịch vụ, công nghiệp ngày càng lớn, nhất là nhu cầu lắp đặt, sử dụng trong các khu chung cư, văn phòng nhà cao tầng ngày càng tăng cao. Đồng thời, cũng  xuất hiện một số thách thức về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và việc quản lý chất lượng và an toàn sử dụng thang máy, thang cuốn như: Việc đảm bảo các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; các yêu cầu về an toàn cho người vận hành, sử dụng, bảo trì, sứa chữa; về tổ chức, cá nhân sở hữu, vận hành thang máy thực hiện công tác kiểm định định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng thang máy; việc đảm bảo chất lượng người lao động và an toàn sức khỏe lao động trong việc lắp đặt, bảo trì, phụ trách vận hành thang máy …

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

“Trong thực tiễn thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại cả người và tài sản do vận hành, sử dụng thang máy, tháng cuốn gây ra  đã và đang đặt ra những vấn đề cho chúng ta không chỉ về quản lý chất lượng thang máy mà còn vấn đề thực hiện quản lý nhà nước về công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động hoặc cộng đồng xung qoanh yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Luật Việc làm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực thang máy, thang cuốn. “- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về lao động, việc làm, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thang máy, thang cuốn, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về GDNN, phát triển kỹ năng nghề và an toàn sức khỏe lao động nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động, chất lượng, an toàn sức khỏe lao động nói chung và trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn nói riêng. Cụ thể về chất lượng, an toàn, đã ban hành 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thang máy, thang cuốn; các quy trình kiểm định và các quy định về huấn luyện ATVSLĐ cho lao động liên quan đến thang máy, thang cuốn; chỉ định cho 25 đơn vị chứng nhận thang máy phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và trên 100 đơn vị kiểm định thang máy, hằng năm chứng nhận hợp quy cho khoảng trên 6000 thang máy nguyên chiếc và một số doanh nghiệp sản xuất; kiểm định trên 20.000 thang máy, thang cuốn; Bộ cũng đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu kiểm định kỹ thuật an toàn cho thang máy.

Ông Nguyễn Hải Đức- Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam

Ông Nguyễn Hải Đức- Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam

Theo số liệu của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam hiện có hơn 400 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cung cấp sản phẩm thang máy. Con số lắp đặt thang mới mỗi năm trung bình vào khoảng 1 vạn thang. Điều này đòi hỏi số lượng kỹ thuật viên có trình độ tay nghề là rất lớn. Bên cạnh đó, thang máy là loại thiết bị đòi hỏi độ an toàn rất cao, đòi hỏi các chuyên gia, nhân viên kỹ thuật thang máy phải có nghiệp vụ tốt, được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp và có bằng cấp, chứng chỉ nghề cần thiết. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, mã ngành đào tạo thang máy chưa có trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng nghĩa với việc nghề kỹ thuật thang máy chưa được đào tạo chính quy. Điều này dẫn đến năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của thang máy được sản xuất trong nước không đủ sức cạnh tranh, ngành công nghiệp thang máy thiếu nền tảng phát triển bền vững. Đó là chưa kể các vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng diễn ra thường xuyên trong thời gian qua đã cho thấy phần nào mặt bằng trình độ nhân lực ngành đang ở mức thấp và khó kiểm soát.

Thực trạng của nhân lực ngành thang máy nói trên đã được các đại biểu  thẳng thắn phân tích, đánh giá tại hội thảo. Từ đó đề xuất cần sớm xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia cho ngành thang máy, chuẩn hóa chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản trị nhân lực ngành.

Theo TS.Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp- Bộ LĐ- TB&XH) thì Chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia là một trong sáu trụ cột của ngành. Đối với ngành thang máy thì vấn đề này hiện đang bị “bỏ ngỏ”, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp thang máy. Giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ chuẩn hóa được lực lượng lao động và tăng năng suất lao động cho ngành thang máy. Cũng theo TS. Nguyễn Chí Trường thì trong Luật Việc làm, Nghị định 31/2015 đã có quy định rất rõ về những công việc có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động hoặc cộng đồng, tính chất nặng nhọc, độc hại yêu cầu cần có Chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia. Với đặc thù công việc của kỹ thuật viên ngành thang máy thì tại sao lại không áp dụng?  

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu con số 29% doanh nghiệp FDI, 27% doanh nghiệp trong nước đánh giá người lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Theo đại diện VCCI, ngành thang máy cần nhìn thấy gì từ những con số này để chuẩn hóa được chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp cho nhân sự ngành thang máy trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như hiện nay.

Với số lượng thang máy được lắp đặt mới khoảng 10.000 thang/năm nên thị trường lao động cần khoảng 1.500 kỹ thuật viên lắp đặt và 12.000 kỹ thuật viên bảo trì thang máy. TS. Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA) cho biết VILEA sẵn sàng tiên phong phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp chuẩn hóa chương trình và tham gia công tác đào tạo về kỹ thuật thang máy. Đây là tiền đề quan trọng để giải quyết “cơn khát” nhân lực có trình độ trong việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy. Công tác đào tạo quản trị nhân lực cũng sẽ được VILEA chuyển giao theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Cũng theo TS. Nguyễn Đức Hạnh, chiến lược đào tạo này không chỉ đáp ứng nhu cầu cung ứng nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động trong nước mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế.

“Với vai trò của mình, Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp quý giá tại hội thảo, tham mưu đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách phù hợp, giải quyết “điểm nghẽn” chất lượng nguồn nhân lực để ngành công nghiệp thang máy Việt Nam phát triển bền vững.”- Ông Nguyễn Hải Đức- Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam nói.