Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao kiến thức cho các giảng viên về giáo dục giới tính, tình dục toàn diện

Chỉ 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% đối với phụ nữ chưa kết hôn. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn đối với thanh niên khi họ chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn.

Từ ngày 18/7, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo 10 ngày về Tập huấn Giảng viên quốc gia  (TOT) về giáo dục giới tính, tình dục toàn diện và kỹ năng sống  trong trường học. Hội thảo do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đồng hỗ trợ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT).

Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có 20,4 triệu thanh niên từ 10-24 tuổi, chiếm 21% tổng dân số. Con số này cho thấy tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử của đất nước – đó là tiềm năng to lớn về nguồn lực con người để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

Và bằng chứng cho thấy giới trẻ Việt Nam đang có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng sống cần thiết để thương thảo tình dục an toàn và các mối quan hệ đồng thuận, đồng thời gặp phải những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ Sức khỏe sinh sản và Sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD).  Công tác giáo dục giới tính cho thanh niên còn hạn chế, đặc biệt đối với thanh niên người dân tộc thiểu số, người di cư, thanh niên sống ở nông thôn. Hậu quả là những người trẻ tuổi có nguy cơ mang thai sớm và ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có HIV.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn.

Điều này nói lên nhu cầu của thanh thiếu niên về việc tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục. Điều tra Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia (SDGs)  do Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy chỉ 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% đối với phụ nữ chưa kết hôn.  Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn đối với thanh niên khi họ chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình.

Phát biểu tại  lớp tập huấn, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Hiện nay, giáo dục giới tính đã trở thành một bộ phận của nền giáo dục có chất lượng. Học sinh cần được trang bị những kiến thức cơ bản, thiết yếu về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện để giúp các em bước đầu hiểu về tình dục và cách tự bảo vệ mình. Thiếu sót chuẩn bị cho học sinh về những vấn đề này không chỉ để các em tổn thương,  dễ bị bạo lực và để lại các hậu quả đối với sức khỏe mà còn này chỉ ra sự thất bại của những người có trách nhiệm trong việc hoàn thành trách nhiệm của họ đối với toàn bộ thế hệ mới”.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em và thanh niên, đặc biệt là trẻ em gái. Trong nhiều năm, Việt Nam đã quan tâm đến việc đảm bảo người học được tiếp cận với giáo dục giới tính như sức khỏe tình dục và sinh sản, phòng chống HIV hoặc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Kể từ năm 2018, với sự hỗ trợ của UNESCO, UNFPA và UNICEF, Việt Nam đã phát triển một cách tiếp cận tổng thể đối với giáo dục giới tính và tình dục toàn diện. UNESCO cam kết hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác khác trong nỗ lực quốc gia nhằm làm cho giáo dục giới tính và tình dục ngày càng toàn diện và mở rộng phạm vi bao phủ với mục tiêu tiếp cận tất cả mọi người ở các giai đoạn giáo dục khác nhau.”

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác khác trong việc đảm bảo quyền quyền về chăm sóc  sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh niên  “Việc trang bị cho những người trẻ những kiến thức cần thiết về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, kỹ năng sống sẽ giúp họ định hình cuộc sống của mình theo cách họ muốn. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể làm giảm các hành vi nguy cơ của thanh thiếu niên, đồng thời  thúc đẩy các cách tiếp cận cuộc sống một cách tích cực, có trách nhiệm và trưởng thành ”.

Các giảng viên trao đổi về các tình huống giả định.

Các giảng viên trao đổi về các tình huống giả định.

Đối tượng tham gia tập huấn là 30  giảng viên được tuyển chọn từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Học viện Thanh thiếu niên Quốc gia và trường, khoa sư phạm tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.  Sau tập huấn, các giảng viên quốc gia sẽ hỗ trợ các sở giáo dục các tỉnh và giáo viên các trường trung học ở ba tỉnh do UNFPA hỗ trợ là Yên Bái, Khánh Hòa và Vĩnh Long, cũng như các tỉnh khác do các nhà tài trợ khác hỗ trợ và bằng ngân sách quốc gia  để thực hiện chương trình giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, được chấp nhận về mặt văn hóa. Các giảng viên quốc gia cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục tư nhân thực hiện các chương trình này nếu có nhu cầu.

Các giáo viên được đào tạo bài bản, được hỗ trợ và động viên đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và kỹ năng sống chất lượng, do vậy, khóa đào tạo kéo dài 10 ngày sẽ tập trung vào:

• Giới thiệu về Tính dục và Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, bao gồm cả kỹ năng sống;

• Giới, Quyền và Giá trị;

• Bạo lực trên cơ sở giới (BLGTCSG) và Giữ an toàn;

• Dạy và học Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện,;

• Mối quan hệ và tính dục;

• Thực hành chuẩn bị giảng dạy;

• Giao tiếp & quản lý áp lực; và

• Sức khỏe tình dục sức khỏe sinh sản.