Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ

Ngày 17/8, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo trợ em Việt Nam tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu “Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam”.

Tham dự khai mạc lớp tập huấn có ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ BTTEVN, đại diện Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Công ty PNJ) cùng 45 học viên là các thầy cô giáo, kỹ thuật viên can thiệp tại 30 trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 13 tỉnh thành phố phía Nam.

Ông Hoàng Văn Tiến phát biểu tại lớp tập huấn.

Ông Hoàng Văn Tiến phát biểu tại lớp tập huấn.

Ông Hoàng Văn Tiến cho biết, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” được ký kết thỏa thuận giữa Quỹ BTTEVN và Công ty PNJ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Dự án do Công ty PNJ tài trợ thực hiện trong 5 năm (2019 – 2023). Tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam là một hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”.

Sau thành công của khóa tập huấn năm 2019, trong năm 2022, Quỹ BTTEVN tiếp tục tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho 100 giáo viên, kỹ thuật viên đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 33 tỉnh, thành phố, có đủ năng lực làm kỹ thuật viên nguồn nhằm tuyên truyền lại kiến thức cho kỹ thuật viên khác tại trung tâm.

Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn chính là các chuyên gia trực tiếp biên soạn bộ tài liệu Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn cho cán bộ nòng cốt về nghiên cứu và đánh giá rối loạn phổ tự kỷ; quản lý hành vi và hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỷ; kỹ năng xã hội (giao tiếp, kết bạn và ứng xử); phương pháp can thiệp dựa trên ABT - Can thiệp chơi đùa.

Mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng. Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.