Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao vai trò, vị trí phụ nữ dân tộc thiểu số

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị đã tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị của cán bộ nữ toàn quốc. Số lượng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Nhiều phụ nữ vùng cao được hưởng lợi từ Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT).

Nhiều phụ nữ vùng cao được hưởng lợi từ Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT).

Các hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được triển khai thực hiện thông qua nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội góp phần thay đổi bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a… Trong giai đoạn này, vai trò và tiếng nói của phụ nữ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các công trình đã được chú trọng, được bộ ngành lồng ghép vào các văn bản hướng dẫn thực hiện như quy định tỷ lệ nữ trong ban chỉ đạo, ban giám sát... 

Về lao động và việc làm, đặc điểm nổi bật của người DTTS là tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92%.  Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở cả nam và nữ DTTS đều ở mức thấp. Khả năng tiếp cận thị trường giúp phụ nữ DTTS đóng góp vào kinh tế gia đình cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc nâng cao vị thế của người phụ nữ DTTS trong gia đình và xã hội.

Chất lượng nguồn nhân lực nữ được nâng cao, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN. Các chương trình, dự án, chính sách của nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường được nâng lên một bước. Mặc dù vậy, giáo dục và đào tạo tại vùng DTTS vẫn còn một số vấn đề bất cập như: Tỷ lệ người DTTS biết đọc biết viết tiếng phổ thông là 81,5%. Tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo thấp: Trung bình đạt khoảng 10,3%, mới bằng gần 1/3 so với tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước.

Y tế cũng là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm đầu tư tại vùng DTTS, đến nay đã đạt được các kết quả quan trọng như: Có gần 6 triệu người DTTS có thẻ bảo hiểm y tế, phần lớn nhờ chính sách cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người DTTS sinh sống tại những địa bàn khó khăn, trong đó tỷ lệ người DTTS có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh khoảng trên 90%.  Tỷ lệ phụ nữ DTTS khám thai và sinh con tại cơ sở y tế vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước: năm 2015 tỷ lệ khoảng 70%, đến năm 2019 được cải thiện với gần 90%  phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi có đến khám thai và sinh con tại cơ sở y tế.

Lĩnh vực thông tin, truyền thông vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ; kênh VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng DTTS; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, tỷ lệ hộ gia đình người DTTS sử dụng điện thoại tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2018, tuy nhiên tỷ lệ hộ có điều kiện sử dụng điện thoại và các phương tiện nghe nhìn như tivi, đài phát thanh không đồng đều. Một số nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ có điện thoại ở mức dưới 40%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hoạt động truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của nam và nữ giới trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhiều hoạt động truyền thông, vận động được các bộ, ngành và địa phương linh hoạt, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, tranh thủ lồng ghép vào các chương trình, dự án chính sách khác đang triển khai tại vùng DTTS, từ đó nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới.