Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 4 bậc

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 lên 63/140.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương về du lịch, lữ hành.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 4 bậc - Ảnh 1.

Việt Nam điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 63 trong bảng xếp hạng gồm 140 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2017. Trong đó, Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất về chính sách visa (tăng 63 bậc từ 116 lên 53). Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá tăng từ vị trí 35 lên 22; cơ sở hạ tầng vận tải hàng không tăng từ 61 lên 50 (mức tăng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương); cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tăng từ vị trí 113 lên 106…

Ngoài ra, các yếu tố như ưu tiên du lịch, độ mở quốc tế, bền vững môi trường… đều thăng hạng. Tuy nhiên, yếu tố tài nguyên thiên nhiên và văn hóa tụt hạng nhẹ.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành, sau Singapore (đứng vị trí thứ 14, tụt 4 hạng so với năm 2017), Malaysia (đứng thứ 29, tụt 3 hạng), Thái Lan (vị trí thứ 31, tăng 3 hạng) và Indonesia (đứng thứ 40, tăng 2 hạng). Xếp sau Việt Nam có Philippines (vị trí 75, tăng 4 hạng); Lào (đứng thứ 97, giảm 3 hạng); Campuchia (đứng thứ 98, tăng 3 hạng).

Tuy nhiên, theo báo cáo cho rằng, với đặc điểm tương đồng giữa những quốc gia có ngành du lịch đang phát triển, Việt Nam vẫn phải giải quyết những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng dịch vụ du lịch. Đây là những yếu tố có thể cản trở sự phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng cũng chỉ ra cần lưu ý đến việc bảo đảm môi trường, tính bền vững trong phát triển du lịch và mức độ ưu tiên cho ngành du lịch.

TTCI là một bảng xếp hạng được thực hiện 2 năm một lần, dựa trên 14 yếu tố như: tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, cạnh tranh về giá, chính sách visa, cơ sở hạ tầng vận tải hàng không, ưu tiên du lịch, độ mở quốc tế, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, môi trường bền vững, an ninh an toàn, bền vững về môi trường... với thang điểm từ 1 đến 7.

Năm 2018, du lịch Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017 nhờ sự đóng góp của các thị trường khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong 3 năm qua, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh với con số của năm 2018 tăng gần gấp đôi năm 2015.