Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngân hàng Nhà nươc tăng lãi suất tiền gửi, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động

Các ngân hàng bắt đầu đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành ngày 24/10, trong đó mức dưới 6 tháng được điều chỉnh lên mức kịch trần.

Techcombank đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Techcombank đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1%, lên 6%/năm, nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động từ chiều 25 và sáng 26/10.

Cụ thể, Techcombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 26/10. Trong đó, nhà băng này đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các sản phẩm tiết kiệm thông thường được hưởng lãi suất 5,9%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.

So với hồi đầu tháng 10, lãi suất huy động của Techcombank tại các kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng thêm 2 - 2,3%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động hiện tại của Techcombank cũng tăng thêm 0,5 - 1%/năm tùy từng kỳ hạn và số tiền gửi.

Mức cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,8%/năm dành cho các khách hàng mới, có số tiền gửi trên 1 tỷ tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo sản phẩm "Tiền gửi Phát lộc".

Sacombank cũng tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1 - 4,6%/năm trước đó lên 5,6 - 6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4 - 1,5%/năm kể từ cuối ngày 25/10.

Trong đó kỳ hạn 5 tháng lãnh lãi cuối kỳ tăng lên mức kịch trần 6%/năm. Kỳ hạn 4 tháng lãi suất cũng lên đến 5,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng cũng tăng từ mức 5,8 - 6,3%/năm lên 7 - 7,25%/năm với kênh quầy.

Với kênh online, lãi suất với các kỳ hạn 1 - 5 tháng đều tăng lên mức kịch trần 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng với kênh online cũng cao hơn 0,5%/năm so với gửi tại quầy.

Còn kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi online Sacombank đưa ra là 7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức cũ. Nếu gửi từ 24 tháng lãi suất là 8%/năm.

OCB tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm.

Kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online thì lãi suất cao nhất lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12 - 24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.

Tại BacABank, ngân hàng đã tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên mức kịch trần. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tuần - 3 tuần có lãi suất 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng là 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước.

Ngân hàng gần như giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất cao nhất tại BacABank hiện nay là 8,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Tương tự, NCB cũng đã tăng lãi suất huy động từ ngày 25/10, trong đó đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép. Hiện khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở lên tại NCB theo hình thức trực tuyến đã có lãi suất trên 8%/năm, cao nhất là 8,45%/năm (dành cho kỳ hạn từ 24 tháng).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Do đó, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.