Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang: Dấu ấn hành động – Trọn nghĩa, vẹn tình

Những năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã khắc phục khó khăn, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Với thành tích dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bắc Giang năm 2019, tạo đột phá trong hành động, để lại dấu ấn quan trọng về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đã được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019.

Chính sách đi vào cuộc sống

Bà Bùi Thị Thu Thuỷ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Bắc Giang đã hàng vạn người con ưu tú đã hy sinh thân mình hoặc một phần thân thể cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", những năm qua, cùng với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chăm lo đời sống cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Theo bà Bùi Thị Thu Thuỷ, Bắc Giang được Trung ương đánh giá cao trong giải quyết chính sách người có công. Hiện Sở LĐ-TB&XH quản lý khoảng 167 nghìn người có công. Số đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn tỉnh là 27.746 người; Thực hiện mục tiêu phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư địa phương. Các hoạt động chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công, giải quyết chế độ BHYT, mai táng phí, trợ cấp một lần được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra các khiếu kiện phức tạp.

Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang: Dấu ấn hành động – Trọn nghĩa, vẹn tình - Ảnh 1.

Giám đốc Bùi Thị Thu Thủy nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang - đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019.

Năm 2019, Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định trợ cấp hàng tháng đối với 213 trường hợp người có công và thân nhân; Trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 18 liệt sĩ mới được xác nhận. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xác nhận 8 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ mới; đề nghị cấp đổi lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 125 trường hợp. Số người có công được giải quyết mai táng phí 2.246 người. Tiếp nhận và di chuyển 259 hồ sơ người có công; đính chính thông tin trong hồ sơ người có công và bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ 193 trường hợp. Cấp lại thẻ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, chất độc hóa học cho 135 trường hợp.

Riêng trong thời gian từ 15/7 -15/8/2020, Sở đã ra quyết định trợ cấp hàng tháng đối với người có công và thân nhân của họ đối với 19 trường hợp. Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ chuyển Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, trung ương khám giám định: 10 trường hợp, trong đó: 3 trường hợp thương binh giám định vết thương còn sót, bổ sung vết thương; 7 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ra quyết định trợ cấp 1 lần đối với người có công và thân nhân họ là 73 trường hợp. Ra quyết định trợ cấp 1 lần va mai táng phí đối với người có công và thân nhân người có công là 335 trường hợp.

Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cấp đổi lại Bằng Tổ quốc ghi công đối với 21 trường hợp. Cùng trong thời gian đó, lãnh đạo Sở ban hành Quyết định điều dưỡng tập trung đối với 1.856 đối tượng. Trong đó: 200 đối tượng huyện Yên Thế, 464 đối tượng huyện Lạng Giang, 630 đối tượng huyện Hiệp Hòa, 80 đối tượng huyện Sơn Động, 482 đối tượng huyện Lục Nam…

Tỉnh cũng chú trọng thực hiện tốt chính sách, chế độ đối với người có công như phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; các nghị định của Chính phủ về chính sách, chế độ ưu đãi người có công, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nêu cao tinh thần phục vụ người có công với cách mạng. Tổ chức tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ người có công, đảm bảo chặt chẽ, công khai, đúng quy định, không để hồ sơ tồn đọng ở các cấp. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và di chuyển hài cốt liệt sĩ để đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng.

Chăm lo đời sống người có công bằng nghĩa, bằng tình

Giám đốc Sở Bùi Thị Thu Thủy hồ hởi: "Bên cạnh đó các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành ở Bắc Giang với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác người có công với cách mạng.

Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang: Dấu ấn hành động – Trọn nghĩa, vẹn tình - Ảnh 2.

Trong hai năm qua, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang đã tạo đột phá trong hành động, để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, ngoài suất quà của Chủ tịch nước tặng người có công và thân nhân, tỉnh Bắc Giang đã dành hơn 17 tỷ đồng tặng 34.723 suất quà cho người có công với cách mạng. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, và các địa phương đi thăm và tặng quà 20 đối tượng tiêu biểu của 10 huyện, thành phố; 7 trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh trong và ngoài tỉnh và 38 đối tượng NCC của tỉnh Bắc Giang đang nuôi dưỡng tại các trung tâm với tổng kinh phí là 87 triệu đồng. Tặng 109 sổ tiết kiệm với số tiền trị giá 131.600.000 đồng. Hỗ trợ 8 hộ người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 2.600.000 đồng….

Quan tâm thực hiện tốt hơn công tác "Đền ơn đáp nghĩa", trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực người công với cách mạng, các chính sách mới như Pháp lệnh số 04 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 05 ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"; Nghị định số 31 ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng... Các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, triển khai kịp thời các chế độ, chính sách mới. Các địa phương quan tâm giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai và thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định mới. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách sẽ được tăng cường , xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bà Bùi Thị Thu Thủy khẳng định: "Tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" như: Xây dựng xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công với cách mạng, phấn đấu 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú". Đồng thời, làm tốt công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn. Tỉnh hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở xây dựng mới và sửa chữa nhà. Hằng năm, tỉnh vận động các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội và nhân dân đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp. Trước mắt, địa phương tiếp tục giải quyết các chế độ ưu đãi cho đối tượng người có công và các chế độ chính sách cho đối tượng khác.