Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghệ An: Huy động toàn xã hội “Đền ơn đáp nghĩa”

(Dân sinh) - Nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Nghệ An, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Đồng thời thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công. Những năm qua Nghệ An đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội để làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nghệ An có hơn 45.000 liệt sỹ; hơn 42.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; hơn 14.000 bệnh binh; 2.743 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 927 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 18.755 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học…

Hiện nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công lớn trong cả nước (sau Hà Nội và Thanh Hóa).

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An, đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho 73.780 người, với số tiền chi trả trợ cấp hàng tháng là 126 tỷ đồng (chưa gồm số tiền chi trả trợ cấp một lần theo chế độ). Mặc dù đối tượng chính sách nhiều, số tiền chi trả lớn như vậy nhưng Nghệ An đã quản lý và chi trả kịp thời và đầy đủ các chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người có công và thân nhân liệt sĩ; giải quyết cơ bản chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh theo quy định của Nhà nước; xác nhận và thực hiện tốt chế độ chính sách cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ chế độ ưu đãi cho các đối tượng chính sách, thời gian qua, Nghệ An còn làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa".Cùng với các chế độ chính sách của Nhà nước, tỉnh đã có những chính sách cụ thể để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng như hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo,....Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, khơi dậy được trách nhiệm, tình cảm, huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng chăm lo cho người có công. Ví như phong trào "áo lụa, chăn ấm tặng mẹ, tặng bà" được phát động rộng rãi trong các tổ chức Hội phụ nữ và thanh, thiếu niên, thu được hàng vạn sản phẩm quần áo, chăn màn tặng các gia đình thương binh liệt sỹ khó khăn; Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hưởng ứng tích cực.

Nghệ An: Huy động toàn xã hội “Đền ơn đáp nghĩa”  - Ảnh 1.

Các thương binh, bệnh binh được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng Nghệ An.

Đến nay tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống của tỉnh đều được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Phong trào hỗ trợ thương, bệnh binh làm nhà ở, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa lan tỏa rộng khắp. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa" được xã hội hóa và làm thường xuyên, huy động được toàn xã hội tham gia gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

Hàng năm, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"của tỉnh Nghệ An, huy động được khoảng 15 tỷ đồng chưa kể các nguồn lực khác như làm nhà tình nghĩa, các suất quà trực tiếp từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân cho các đối tượng chính sách nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ và dịp Tết Nguyên đán…Riêng năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An đã thu được 32,5 tỷ đồng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; thông qua nguồn quỹ này và các nguồn đóng góp khác của nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế chính trị xã hội, đã xây dựng mới và sửa chữa được 418 nhà tình nghĩa (trong đó: xây mới 168 nhà, sửa chữa nâng cấp 250 nhà), với tổng kinh phí trên 30,2 tỷ đồng. Tặng 1.983 sổ tiết kiệm cho các gia đình người có công, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh triển khai tích cực trong hơn 6 năm qua. Trong số 25.684 hộ cần hỗ trợ nhà ở trong tỉnh, đến nay, đã thực hiện hoàn thành và đã hỗ trợ kinh phí giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cho 20.913 hộ (đạt tỷ lệ 81,43%);Số nhà đang xây dựng: 1.916 (= 7,46%). Số tiền đã giải ngân hỗ trợ cho các đối tượng: 619,860 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 80,16%).

Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, quản lý chăm sóc các phần mộ nghĩa trang liệt sỹ được thực hiện chu đáo. Các địa phương trong tỉnh đều quan tâm xây mới, tu bổ các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm và nhà bia ghi tên liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sỹ đã trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, cách mạng, như Nghĩa trang Hữu Nghị Việt Lào (Anh Sơn), Đài tưởng niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hưng Nguyên), Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương), Hang Hỏa Tiễn (TX Hoàng Mai), Đền thờ Liệt sỹ (Diễn Châu)…

Đến nay, Nghệ An đã có 100% số xã được UBND tỉnh công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh xã hội. Nhiều xã, phường tiêu biểu đã chăm lo, và có nhiều cách làm "Đền ơn đáp nghĩa" hiệu quả, thiết thực để 100% gia đình chính sách có mức sống khá trở lên, như: Vân Diên, Nam Anh (Nam Đàn), Giai Xuân (Tân Kỳ), Quỳnh Đôi, Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu), Hưng Tân, Hưng Đạo (Hưng Nguyên), phường Nghi Thuỷ, Nghi Hòa (TX Cửa Lò), phường Hưng Bình, Hưng Hòa (TP Vinh), xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Đồng Hợp (Quỳ Hợp)...

Với số lượng lớn người có công với cách mạng, công tác quản lý và thực hiện các chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh khó tránh khỏi những hạn chế. Vì vậy, việc sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại trong thực hiện chính sách đối với người có công; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho các đối tượng người có công là tình cảm, trách nhiệm và cũng là bổn phận của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Song song với việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chế độ, chính sách với người có công, thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng trên quê hương. Cùng với đó, phát động phong trào chăm sóc người có công, chăm lo ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, nhất là đối tượng chính sách neo đơn, già yếu; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống.