Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghi Lộc (Nghệ An): Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

(Dân sinh) - Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, thời gian qua huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã triển khai các chính sách trợ giúp các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống. Đặc biệt quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng. Qua đó, công tác an sinh xã hội trên địa bàn luôn được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng.

Nghi Lộc là huyện đồng bằng ven biển, có 29 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên 34.767,02 ha, trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiện huyện có 5.069 đối tượng người có công với cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên, có 229 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 4 Anh hùng lực lượng vũ trang.

Số liệu từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc cho thấy, các chính sách và giải pháp an sinh xã hội được huyện triển khai đồng bộ, đảm bảo các đối tượng tiếp cận với các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm; đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm và công tác đền ơn đáp nghĩ được quan tâm hàng đầu với đa dạng các hoạt động.

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" bằng những việc làm cụ thể, Đảng bộ, chính quyền địa phương huyện Nghi Lộc đã tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách; thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời, tận tay đối với người có công. Toàn huyện có hơn 5.069 người hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền 9.528.335.000 đồng/ tháng.

Nghi Lộc(Nghệ An): Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa  - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Nghi Lộc thăm, tặng quà thương binh 4/4 Nguyễn Văn Lan ở xóm 6 xã Nghi Phong(Ảnh Nhật Tuấn)

Năm 2019, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã được huyện Nghi Lộc triển khai mạnh mẽ rộng khắp. Trong năm thu quỹ đền ơn đáp nghĩa toàn huyện đạt  920.000.000 đồng, trong đó, cấp huyện: 320.000.000 đồng; cấp xã: 600.000.000 đồng.

Hàng năm, huyện Nghi Lộc luôn tích cực vận động nhân dân ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" thu được nhiều kết quả. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai rà soát, xét duyệt đề nghị cấp trên, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm xây dựng, sửa chữa nhà cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở. Vào các dịp lễ, tết, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện cũng đã đến thăm và tặng nhiều suất quà cho các đối tượng thương, bệnh binh, liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, nạn nhân chất độc hóa học…

Năm 2019, Nghi Lộc xây mới và sửa chữa 50 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 3.080.000.000 đồng, trong đó, xây mới, nâng cấp, xây mới nghĩa trang liệt sĩ, đài tượng niệm nhà bia ghi tên liệt sĩ của 2 xã Nghi Long, Nghi Công Bắc và nghĩa trang huyện với số tiền 326.000.000 đồng.

Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai xây mới và sửa chữa 42  nhà ở hộ chính sách người có công do Qũy Thiện Tâm - Tập đoàn VinGroup hỗ trợ.

Huyện cũng chỉ đạo rà soát các đối tượng người có công được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ để giải ngân kinh phí cho 90 đối tượng với số tiền 2,68 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện các vướng mắc trong qúa trình giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg.

Hiện toàn huyện còn 73 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ chưa thể giải quyết, lý do là không có hồ sơ gốc lưu tại huyện, sở và gia đình không lưu giữ các giấy tờ cần thiết liên quan đến liệt sĩ như: Bằng Tổ quốc ghi công, giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, giấy báo tử, huy huy chương giải phóng...

Trong 129 hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công có 90 hồ sơ thiếu một trong các thông tin ngày tháng cấp bằng, số bằng và ngày tháng hy sinh, chức vụ.

Còn 4 trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng chưa được truy tặng. Lý do:  không có hồ sơ liệt sĩ lưu giữ tại các cấp: Bộ, Sở Lao động -Thương binh và xã hội huyện....

Chăm lo giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là việc làm thường xuyên ở Nghi Lộc. Đó là một trong những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên mỗi cán bộ, người dân đều nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, đã phần nào sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh. Động viên họ vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cũng thúc đẩy thế hệ trẻ hôm nay, phát huy tinh thần cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.