Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghị lực của "vầng trăng khuyết"

Sinh ra không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, cuộc sống của những đứa trẻ khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm tâm hồn của các em vẫn luôn bừng cháy những ước mơ, khát vọng về một ngày mai tươi sáng.

Lần đầu gặp hai chị em Lê Đinh Hoàng Quỳnh (20 tuổi) và Lê Đinh Hoàng Quyền (17 tuổi), ở tổ 3, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), tôi ấn tượng với cách diễn đạt qua câu chữ truyền cảm. Dẫu số phận không mỉm cười với mình, nhưng Quỳnh và Quyền vẫn luôn tràn đầy niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống.

Nước mắt và nụ cười 

Năm 2000, Quỳnh ra đời trong sự mong chờ và hạnh phúc của cả gia đình. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu thì gia đình lo lắng khi Quỳnh phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác. “Khi phát hiện con không nghe được âm thanh, lại chậm nói, gia đình đưa đi khám. Bác sĩ kết luận con mất khả năng nghe nói, vợ chồng tôi như chết lặng”, bà Đinh Thị Dung, mẹ của Quỳnh, nhớ lại.

Nỗi đau nhân lên gấp bội khi em của Quỳnh là Quyền cũng có triệu chứng bệnh tật tương tự. Cả hai em được ba mẹ đưa đi chữa trị nhiều nơi, ra Bắc vào Nam liên tục, nhưng niềm hy vọng đi tìm âm thanh lại "tắt dần" sau mỗi chuyến đi.

“Sinh con ra, bậc cha mẹ nào cũng mong con mình phát triển bình thường. Đã nhiều lần tôi cảm thấy bất lực, nhưng tôi biết không ai khác ngoài chính bản thân mình phải có đủ nghị lực để truyền sức mạnh cho các con, làm bạn và đồng hành cùng con mình”, bà Dung bộc bạch.

Nghị lực của "vầng trăng khuyết" - Ảnh 1.

Hội hoạ là niềm đam mê của Quỳnh và Quyền.

Sau nhiều lần đắn đo, gia đình đã gửi hai em Quỳnh và Quyền học tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng). Hai em theo học ở trường giáo dục hoà nhập như một bước ngoặt mở ra tương lai tươi sáng hơn trong cuộc đời. Được các thầy cô chăm sóc, dạy bảo, các em dần tiến bộ. Các em biết những ký hiệu đơn giản, màu sắc, biết đếm số, biết các hiện tượng tự nhiên, biết thể hiện cảm xúc... “Sau mỗi tuần học nội trú, hai con được về nhà. Mỗi ngày, gia đình tôi cảm nhận được sự tiến bộ ở các con. Con tôi giờ trở thành một người bình thường trong mắt mọi người, chỉ khác ngôn ngữ mà thôi”, bà Dung trải lòng.

Bao nhiêu năm nuôi dạy con là bấy nhiêu năm bà Dung trở thành cô giáo đặc biệt. Dù nhiều lần stress khi dạy con, nhưng bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vì “hái những trái ngọt” đầu tiên. “Mỗi khi con được nhận bằng khen, tôi cảm thấy không phụ công gia đình và các thầy cô trong trường. Các con rất ngoan, hiểu chuyện, thương yêu gia đình, tôi cũng cảm thấy ấm lòng”, bà Dung nở nụ cười chia sẻ.

Vượt lên số phận

Sau một thời gian học Trường Chuyên biệt Tương Lai, Quỳnh và Quyền về quê học tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập). Sau khi hoàn thành bậc tiểu học, hai em học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Ngoài học văn hoá, các em được học năng khiếu, học nghề. Từ chỗ sống khép kín, luôn thu mình, các em trở nên cởi mở, hoà đồng hơn.

Trò chuyện với tôi qua chữ viết và “phiên dịch” của mẹ, Quỳnh tâm sự: "Từ khi nhận thức mình bị câm, điếc bẩm sinh, em rất buồn tủi. Những điều mình muốn nói ra mà không ai nghe, chẳng ai hiểu. Nhưng em đã tìm thấy niềm vui khi được đến trường và nhận ra rằng bên em có rất nhiều người thương yêu, quan tâm. Em không thấy mình cô đơn, bất hạnh".

Hành trình vượt qua mặc cảm, chiến thắng bản thân để đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện của Quỳnh và Quyền là một chặng đường dài. Cả hai luôn nghĩ rằng: Với một người bình thường để thành công trong cuộc sống vốn dĩ không phải là việc dễ dàng. Với một người khiếm thính như chị em mình, thì khó khăn càng nhân lên gấp bội và vì thế càng phải nỗ lực nhiều hơn. Tâm niệm như thế, nên cả hai chị em luôn lấy sự nỗ lực, cố gắng hết mình để bù đắp cho những khiếm khuyết của bản thân. Nhờ đó, cả hai chị em đã đạt thành tích nổi bật trong học tập.

Theo đuổi đam mê hội hoạ

Hai chị em Quỳnh và Quyền có chung sở thích và đam mê hội họa. Tài năng được minh chứng khi hai em từng đoạt giải Nhất tại Giải thưởng Mỹ thuật Thiếu nhi Quảng Ngãi.

Nghị lực của "vầng trăng khuyết" - Ảnh 2.

Quỳnh và Quyền đã giành Huy chương Vàng môn cờ vua tại Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc.

“Em đam mê môn nghệ thuật có tính sáng tạo này và thấy cuộc sống của mình không thể thiếu những nét vẽ”, Quyền bộc bạch. Từ sự hỗ trợ của gia đình và những người thân quen, phòng tranh Tự Lực của hai chị em cô bé khiếm thính ra đời. Những bức tranh của Quyền ban đầu còn đơn điệu, nhưng qua thời gian, dần dần những tác phẩm của em mang sắc thái rõ rệt, có tính nghệ thuật và rất có hồn. Chủ đề những tác phẩm của em thường là phong cảnh thiên nhiên và sự đổi thay của thành phố. Nhìn những tác phẩm của Quyền, có cảm giác như em đã đưa cả một khoảng trời bình lặng của vùng quê vào trong tranh. Ở đó, em được nói, được cười, được nghe tiếng gió thổi, được đùa vui cùng chúng bạn...

Nói về ước mơ giản dị của bản thân, Quyền nắn nót viết trên trang giấy: "Em muốn trở thành hoạ sĩ, vừa vẽ tranh, vừa bán hoạ cụ để có thể tự lo cho bản thân. Lúc còn nhỏ em nghĩ ba mẹ lo lắng vì em bị khiếm khuyết, nhưng tới nay em cố gắng làm được và tự tin với sự lựa chọn của mình".

Với riêng tôi, cả Quỳnh và Quyền đã chạm đến ước mơ ấy khi em đã vẽ nên một cuộc sống đầy tươi sáng, đủ gam màu cho chính cuộc đời mình và cha mẹ em đã có thể mãn nguyện, bởi những đứa con yêu thương biết ước mơ, biết vượt qua số phận và sống có ích trong cuộc đời.