Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghị viện châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai cam kết về lao động

(Dân sinh) - Chiều 31/10, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Đoàn Nghị viện châu Âu do ông Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện (INTA), làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Nghị viện châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai cam kết về lao động - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Mục đích chuyến thăm Việt Nam của đoàn nhằm làm rõ các vấn đề đang tồn đọng, đưa ra khuyến nghị để các nghị sỹ châu Âu cân nhắc trong quá  trình xem xét phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Nghị viện châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai cam kết về lao động - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam đang thực thi nghiêm túc và có hiệu quả đối với các cam kết với EU về lao động.

Việt Nam đang thực thi nghiêm túc và có hiệu quả đối với các cam kết với EU về lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu. Sau khi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Công ước 98 của ILO về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Chính phủ đang nỗ lực cụ thể hóa nội dung này.

"Đối với Bộ luật Lao động (sửa đổi), Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các nội dung của Bộ luật. Xuyên suốt của Bộ luật này là đề cao quyền tự quyết, tự thỏa thuận, tự thương lượng của người lao động và của tổ chức người lao động. Những vấn đề như thời gian thỏa thuận làm thêm giờ, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, phát triển các tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, vấn đề đình công, bãi công... đều được đề cập rất rõ ràng trong dự thảo luật. Việt Nam cũng đã cố gắng gắn nội dung về thương mại với an sinh với sự phát triển bền vững của con người, nhất là nội hàm kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam luật hóa các nội dung liên quan đến phát triển các tổ chức đại diện trong doanh nghiệp. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia thành lập hội và tham gia các hội ở trong doanh nghiệp, tổ chức đại diện của mình. Và các tổ chức này hoạt động độc lập, không bị cưỡng bức bới các quan hệ khác.

"Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động trước đây so Bộ luật hiện hành chỉ điều chỉnh lực lượng lao động có quan hệ lao động, số này khoảng 14 triệu người. Đến nay, khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) phạm vi đối tượng điều chỉnh đến tất cả các đối tượng người lao động có quan hệ lao động, không có quan hệ lao động, khu vực chính thức và phi chính thức. Và số người chịu tác động của của phạm vi Bộ luật khoảng 55,4 triệu. Sau khi Bộ luật Lao động được Quốc hội bấm nút thông qua (dự kiến ngày 20/11 tới), Việt Nam cam kết đảm bảo đúng tiến độ thông qua Công ước 105 và Công ước 87 của ILO", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Nghị viện châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai cam kết về lao động - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Bernd Lange Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai cam kết về lao động

Tại buổi tiếp, ông Bernd Lange thông tin, đến nay, giữa EU và Việt Nam có kết quả là 1 công ước cơ bản của ILO đã được thông qua, 2 công ước còn lại được nội luật hóa vào trong Bộ luật Lao động(sửa đổi) và Quốc hội Việt Nam đang xem xét, phê chuẩn.

"Tôi đánh giá cao những nỗ lực đó. Có thể nói rằng nội dung về Bộ luật Lao động (sửa đổi) là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình các nghị sỹ của chúng tôi tại Bỉ xem xét trước thềm các cuộc bỏ phiếu thông qua 2 Hiệp định sắp tới", ông Bernd Lange phát biểu.

Nghị viện châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai cam kết về lao động - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu và các đại biểu chụp ảnh chung

Dự kiến Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) sẽ tiến hành bỏ phiếu trình phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) vào tháng 1/2020; tiếp theo Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phê chuẩn vào tháng 2/2020.