Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghị viện Châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu

(Dân sinh) - Nhiệt độ trái đất hiện nay đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu là do sư gia tăng mật độ khí CO2 và các khí nhà kính khác. Hơn 90% lượng nhiệt dư thừa mà chúng ta tạo ra tích tụ trong các đại dương, làm gia tăng nhiệt độ các đại dương và khiến mực nước biển dâng.

Vnexpress đưa tin, tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường toàn cầu được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua hôm 28/11 với 429 phiếu thuận, 225 phiếu chống và 19 phiếu trắng. Tuyên bố yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) đảm bảo rằng tất cả các đề xuất về ngân sách và pháp lý liên quan phải được đáp ứng cho mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh khí hậu quan trọng của Liên Hợp Quốc tại Madrid, Tây Ban Nha, trong bối cảnh các nhà khoa học cảnh báo "tình trạng khẩn cấp trên hành tinh" do biến đổi khí hậu.

Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp khí hậu này được cho là sẽ gây áp lực lên tân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, người mới đây khẳng định EU sẽ dẫn đầu cuộc chiến chống lại "mối đe dọa hiện hữu" về khủng hoảng khí hậu. Theo tài liệu bị rò rỉ, tuyên bố sẽ khiến bà Leyen bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết giảm lượng khí thải carbon từ mục tiêu 40% năm 2030 lên 50% và hướng tới 55%.

Nghị viện Châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu - Ảnh 1.

Nghị viện Châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu

Theo vov.vn, nhân dịp công bố báo cáo hàng năm về mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas ngày 25/11 cảnh báo, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sư chậm lại, chứ chưa nói gì suy giảm, bất chấp mọi cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Báo cáo không xác định lượng khí nhà kính phát thải ra, mà là lượng khí còn lại trong bầu khí quyển. Cần phải nhấn mạnh rằng, các đại dương vốn chiếm tới 2/3 bề mặt Trái Đất đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa tạo ra do hiệu ứng nhà kính.

"Nhiệt độ trái đất hiện nay đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu là do sư gia tăng mật độ khí CO2 và các khí nhà kính khác. Hơn 90% lượng nhiệt dư thừa mà chúng ta tạo ra tích tụ trong các đại dương, làm gia tăng nhiệt độ các đại dương và khiến mực nước biển dâng", ông Taalas cho biết.

Theo các nhà khoa học, mật độ khí CO2 còn đọng lại trong bầu khí quyển năm 2018 đã phá vỡ mọi kỷ lục, tăng lên 407,8 phần triệu, tức là tăng 147% so với thời kỳ tiền công nghiệm năm 1750.  Lần gần đây nhất, Trái đất chứng kiến mật độ khí CO2 tương tự trong bầu khí quyển là cách đây từ 3 đến 5 triệu năm: nhiệt độ khi đó nóng hơn từ 2 đến 3 độ C so với hiện nay và mực nước biển cũng cao hơn từ 10 đến 20 mét.

Điều đáng lo ngại hơn là sự gia tăng hàng năm mật độ khí CO2 đọng lại hàng thập kỷ trong bầu khí quyển và thậm chí còn lâu hơn trong các đại dương, cao hơn mức tăng trung bình trong 10 năm qua. Tình trạng tương tự đối với khí metan và NO, trong đó tới 60% lượng khí metan thải ra là do hoạt động của con người (chăn nuôi gia súc, trồng lúa, khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp...) và và khí NO là 40% (phân bón, các quy trình công nghiệp...).

Các nghị sĩ châu Âu cảnh báo tuyên bố phải được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc, không phải những hành động mang tính tượng trưng. "Ngôi nhà của chúng ta đang cháy. Nghị viện châu Âu đã thấy ngọn lửa nhưng hành động không đủ quyết liệt", cố vấn chính sách khí hậu EU Sebastian Mang nói trước cuộc bỏ phiếu.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ và giảm phát thải khí nhà kính cần thiết trung bình là 7,6%/năm. Các nhà khoa học ước tính mức khí thải hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng tới 3 độ C và gây ra những thay đổi cực đoan như lũ lụt, lốc xoáy, nắng nóng kéo dài và cháy rừng kỷ lục.