Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người cha và nhân tình trong vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất là gì?

Liên quan đến cái chết của bé gái N.T.V.A (8 tuổi) ngụ tại chung cư Sài Gòn Pearl, sáng ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP. HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác. Còn người cha vẫn đang được tự do.

Sự việc trên đang gây bức xúc trong dư luận, nhiều người băn khoăn, liệu kẻ thủ ác sẽ phải chịu mức án thích đáng. Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo.

PV: Thưa luật sư, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành và Luật Trẻ em 2016 thì người cha và nhân tình trong câu chuyện bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành dẫn đến tử vong có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất là gì?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Ngày 28/12/2021 công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang khi có căn cứ dấu hiệu về hành vi hành hạ trẻ em.

Cơ quan điều tra khởi tố tội hành hạ người khác là bước đầu để tiến hành công tác điều tra. Dưới góc độ pháp lý thì hành vi dùng vũ lực, đánh đập hành hạ bé gái 8 tuổi đến tử vong của đối tượng Trang thì tùy theo tình tiết, hành vi cụ thể, căn cứ theo kết luận điều tra có thể xem xét khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người. Với hành vi sử dụng vũ lực, bạo lực, đánh đập, hành hạ đến mức gây thương tích hoặc chết người thì có thể xem xét xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người.

 

Cụ thể như sau:

+ Trường hợp phạm tội Giết người thì cần phải làm rõ hành vi của người có hành vi bạo lực bao gồm: hung khí, diễn biến các lần đánh đập, mức độ thường xuyên đánh đập, vị trí tác động lên thân thể, khả năng gây tử vong. Trường hợp có căn cứ cho rằng hành vi có thể dẫn đến chết người mà người đánh trẻ em nhận thức rõ được điều đó nhưng vẫn cố tình làm và không quan tâm đến hậu quả. Với trường hợp này thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người quy định tại Khoản 1 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất tù chung thân hoặc tử hình với các tình tiết định khung có thể là: Giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ, vì động cơ đê hèn, …

+ Trường hợp tội Cố ý gây thương tích thì có các hành vi không được dùng hung khí nguy hiểm, không đánh vào vị trí không gây nguy hiểm như vùng vai, tay, chân và đối tượng không nhận thức được hậu quả, việc nạn nhân tử vong phải nằm ngoài ý muốn chủ quan của người gây thương tích. Với trường hợp này thì đối tượng phạm tội có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 14 năm tù với tình tiết định khung là “làm chết người”.

Cần đợi kết luận điều tra mới có đủ cơ sở xác định tội danh tuy nhiên vì bất kì lý do gì việc người phạm tội hành hạ cháu bé mới 8 tuổi và tước đi mạng sống của cháu thì cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Luật Trẻ em 2016 đã quy định “Điều 12. Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em. Cha mẹ cần chăm sóc, bảo vệ con đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) tại hiện trường vụ án.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) tại hiện trường vụ án.

PV: Hàng xóm láng giềng tuy biết bé gái bị bạo hành nhưng không báo cáo chính quyền, họ có phải chịu trách nhiệm gì không?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Nếu những người hàng xóm này có tinh thần trách nhiệm thì khi biết cháu bị đối tượng “la mắng đánh đập” mà trình báo ngay với quản lý chung cư, chính quyền hoặc cơ quan chức năng thì nhất định sẽ có sự can thiệp, xử lý kịp thời. Nếu thấy sự việc nghiêm trọng, vì việc hành vi hành hạ cháu bé sẽ ít nhiều để lại dấu vết trên cơ thể cháu, khi đó cơ quan chức năng sẽ phải có phương án bảo vệ, chăm sóc cháu A như báo tin, giao cho người thân của cháu hoặc giao cho cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc. Nếu hàng xóm phát hiện, chứng kiến hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực theo quy định tại Điều 18 của Luật Phòng, chống bạo lực năm 2007 như sau:

“Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.”

Quy định pháp luật có hai hình thức xử lý đối với những người biết rõ hành vi bạo hành cháu bé trong gia đình mà không báo cáo chính quyền bao gồm:

Xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 60 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Điều 60. Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng;

b) Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;

c) Cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm tại Điều 390 BLHS 2015

Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm còn phụ thuộc vào kết luận điều tra và chứng cứ thu thập được. Trước tiên, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng lên tiếng khi có hành vi bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, thông báo ngay với chính quyền địa phương hoặc liên hệ ngay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.