Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người dân ở La Ngà (Đồng Nai) mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ cá chết

(Dân sinh) - Trước mong muốn của hộ dân ở sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) sớm nhận được tiền hỗ trợ trong đợt cá chết hàng loạt trên sông La Ngà vào tháng 5/2018, chính quyền địa phương đang rà soát lại thủ tục để hướng dẫn và hỗ trợ người dân.

Trong lần tác nghiệp tại làng cá La Ngà (huyện Định Quán), PV báo Dân sinh nhận được kiến nghị của ông Nguyễn Văn Mốc, số CMND: 350779006 và vợ là Trần Thị Hằng, số CMND 350779102 (hộ khẩu tạm trú tại ấp 1, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), với nội dung mong muốn được cơ quan báo chí - truyền thông hỗ trợ để gia đình sớm nhận được tiền thiệt hại là các lồng bè nuôi cá bị chết do ảnh hưởng bất lợi về môi trường (tháng 5/2018) đã được UBND xã La Ngà thống kê thiệt hại và thông báo số tiền hỗ trợ của nhà nước là 131.600.000 đồng. 

Cuộc sống bấp bênh theo dòng nước của những hộ dân làng cá La Ngà.

Cuộc sống bấp bênh theo dòng nước của những hộ dân làng cá La Ngà.

Theo gia đình ông Mốc, sau đợt cá chết hàng loạt trên sông La Ngà, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất vì tất cả tài sản và tiền vay mượn để nuôi cá đã tay trắng. Lúc này chính quyền địa phương có thống kê thiệt hại sơ bộ và thông báo có tiền hỗ trợ. 

Tuy nhiên, do lúc đó đang bị tác động tâm lý và “sốc” mạnh khi bị mất trắng tài sản và phải gánh thêm số nợ lớn chỉ sau một đêm vì vậy gia đình cho rằng số tiền hỗ trợ chưa đúng với thực tế bị thiệt hại nên không tìm hiểu và làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. 

“Hiện nay vợ chồng tôi đã hiểu rõ được đây là chính sách hỗ trợ thiệt hại của nhà nước đối với các hộ dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt trên sông La Ngà nên mong muốn được nhận số tiền hỗ trợ để trang trải cuộc sống qua ngày”, ông Mốc kỳ vọng. 

Cá chết đợt tháng 5/2018, đều là cá đang chuẩn bị xuất bán và có giá trị rất cao như: cá lăng, cá leo, cá chép và diêu hồng…

Cá chết đợt tháng 5/2018, đều là cá đang chuẩn bị xuất bán và có giá trị rất cao như: cá lăng, cá leo, cá chép và diêu hồng…

Liên quan đến trường hợp gia đình ông Mốc, UBND xã La Ngà cho biết, với đề xuất của hộ gia đình ông Mốc bà Hằng, UBND xã đã có văn bản đề nghị UBND huyện Định Quán, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Định Quán, phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Định Quán xem xét tạo điều kiện để bà Trần Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Mốc được nhận lại số tiền hỗ trợ 131.600.000 đồng để ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển kinh tế. 

Trao đổi với PV báo Dân sinh, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Định Quán cho biết, Phòng đã nhận được đơn đề nghị của hộ gia đình ông Mốc và văn bản đề nghị của UBND xã La Ngà.

“Hiện nay chúng tôi đang cho anh em (chuyên viên - PV) rà soát lại hồ sơ trước đây để làm việc với Tỉnh để tạo điều kiện cho người dân một cách tốt nhất”, vị đại diện khẳng định.

Không thể cứu được cá, người dân “cầu cứu” tới thương lái, cố gắng bán đổ bán tháo dù giá rẻ mạt (5 nghìn đồng/kg).

Không thể cứu được cá, người dân “cầu cứu” tới thương lái, cố gắng bán đổ bán tháo dù giá rẻ mạt (5 nghìn đồng/kg).

Trước đó, báo Dân sinh đã đưa tin, sau cơn mưa lớn khoảng 5h sáng 16/5/2018, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà phát hiện cá nổi lờ đờ trên mặt nước, có hiện tượng thiếu oxy và bắt đầu chết.

Thấy vậy, các hộ dân nhanh chóng mở máy sục khí oxy, số khác kéo bè về phía hạ nguồn cầu La Ngà để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, cá vẫn chết hàng loạt. Chỉ trong một buổi sáng, hàng chục ghe chở cá chết được người dân đưa về tập kết 2 bên bờ sông để bán cho thương lái gây náo loạn cả một đoạn sông.

Kết quả kiểm tra tại chỗ mẫu nước ở hiện trường cho thấy nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn khuyến cáo. Nhận định cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường. 

Đến cuối tháng 12/2018, tỉnh Đồng Nai đã chi hơn 12 tỉ đồng hỗ trợ cho các hộ dân nuôi cá lồng bè của 2 xã Phú Ngọc và La Ngà bị thiệt hại do thiên tai.