Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người dân “thắt lưng buộc bụng”, ngành bán lẻ được mở cửa mùa dịch doanh thu vẫn giảm

(Dân sinh) - Thời gian qua, trong khi nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa để thực hiện cách ly xã hội, phòng chống dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, đặc biệt các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, sức mua chậm khiến tình hình kinh doanh của hệ thống bán lẻ sụt giảm đến 50%, các "ông lớn" như: Lotte, Aeon Việt Nam, Saigon Co.op... cũng “đứng ngồi không yên” vì doanh thu sụt giảm.

Người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm mạnh

Báo cáo Quý I của Bộ Công Thương cho thấy, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm.

Đáng chú ý, tác động xấu đến lao động bán lẻ, tại phần đánh giá về hoạt động thương mại trong nước, Bộ Công Thương phân tích khá kỹ về hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Sản lượng của các doanh nghiệp kinh doanh LPG sụt giảm từ 40-50% do nhu cầu sử dụng giảm đột ngột từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt.

"Số lượng lao động trong ngành phân phối LPG bị ảnh hưởng lớn do sản lượng kinh doanh giảm. Ước tính khoảng 30.000 lao động tham gia trực tiếp bán lẻ LPG, 2.500 lao động làm việc trực tiếp tại trạm nạp, trạm cấp và các lao động trực tiếp vào hoạt động dịch vụ như vận tải, bảo dưỡng, bảo trì...", Bộ Công Thương đưa ra con số cụ tính toán cụ thể.

Tương tự, khảo sát của CBRE Việt Nam, tại các trung tâm thương mại, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80%.

Chị Minh Hường (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, dịch Covid-19 đã tạo nhiều áp lực tài chính đối với việc chi tiêu trong gia đình. Thu nhập của hai vợ chồng bị giảm đi do công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, lại phát sinh khá nhiều khoản chi tiêu liên quan đến việc phòng, chống dịch. Do đó, giảm chi phí sinh hoạt, hạn chế chi tiêu chính, mua sắm là giải pháp đầu tiêu giúp gia đình chị vượt qua thời gian này.

Không chỉ riêng người trẻ, bà Tạ Thanh Hảo, một cán bộ hưu trí cũng cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen chi tiêu của gia đình.

Theo thông báo, đợt này cô nhận được lương hưu hai tháng một lúc, người già đau ốm thường xuyên nếu không thắt chặt chi tiêu từ đầu tháng, nhỡ khi trái gió phải vào viện trong hai tháng tới sẽ không kịp chuẩn bị chi phí.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, tâm lý tiết kiệm chi tiêu luôn là hệ quả tất yếu của tình hình dịch bệnh gia tăng.

Bởi lẽ, khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì người tiêu dùng sẽ nghĩ nhiều đến việc dự phòng rủi ro; họ sẽ hạn chế những chi tiêu không thực sự cần thiết để bỏ ra một khoản tài chính nhằm sẵn sàng cho các tình huống đột xuất của bản thân và gia đình.

Vì thế mới dẫn đến tình trạng nhiều cửa hàng tiện lợi, các siêu thị nguồn cung dồi dào, khách hàng có nhưng doanh thu vẫn giảm.

Kinh doanh ổn định vẫn thất thu

Hiện, trong báo cáo đánh giá về tác động, thiệt hại với doanh nghiệp bán lẻ cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp phân phối, so với tháng 1 và tháng 2 năm 2019 doanh số bán hàng có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn.

Đặc biệt, nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch thì các nhóm hàng hóa khác lại giảm.

Các "ông lớn" trong ngành bán lẻ như Lotte, Aeon Việt Nam, Saigon Co.op... đều không tránh khỏi ảnh hưởng trong kinh doanh. Theo đó, chuỗi siêu thị Lotte Mart doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, Lotte cho biết, doanh thu của doanh nghiệp giảm khoảng 50% so với tháng 01 năm 2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Aeon Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm doanh thu 2% trong tháng 1 và giảm 6% trong tháng 2/2020 so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đau đầu không kém khi mức doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, và giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài. Doanh thu cho thuê mặt bằng của đơn vị cũng giảm 50%.

Một doanh nghiệp khác là Satra cũng bị sụt giảm doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm lên tới 50% so với cùng kỳ.

Không chỉ riêng siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh khí gas LPG, nhu cầu sử dụng của người dân giảm đột ngột sản lượng cũng sụt giảm từ 40% đến 50%. Nguyên nhân dược các chuyên gia xác định xuất phát từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt trong thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trước bức tranh ảm đạm tại các trung tâm thương mại, hoạt động bán lẻ trực tuyến có phần khả quan hơn. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4 - 5 lần. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần.

Mặc dù tăng trưởng cao hơn thị trường truyền thống nhưng đến nay, bán lẻ trực tuyến vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.

Có thể thấy, việc tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.

Nhưng đây cũng là "bài toán" đang đặt ra với các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.