Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người dân TP.HCM trông chờ các công trình chống ngập

Dù mới xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã ngập nặng gây nhiều khó khăn cho việc đi lại và làm ăn của người dân. Vì vậy, các công trình chống ngập cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo cho mùa mưa sắp đến.

Đầu tháng 4, cơn mưa khá lớn kèm gió mạnh tại khu vực TP Thủ Đức, các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận đổ xuống bất chợt, nhiều người phải vội tấp vào lề đường để trú tạm bên hiên các nhà, hàng quán bên đường.

Sau cơn mưa lớn khoảng 30 phút, một số tuyến đường như Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) bị ngập nhiều đoạn. Trong đó, đường Nguyễn Văn Hưởng có đoạn trũng thấp nước ngập đến nửa bánh xe máy. Người điều khiển ô tô, xe máy phải chạy nhanh qua đoạn ngập, men theo vỉa hè để tránh xe chết máy. Trên đường Quốc Hương, một cây bàng bị bật gốc, ngã đổ bên đường, may không có thiệt hại.

Mới đây, chiều 13/4, cơn mưa đầu mùa đổ ào xuống khu vực các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp... Một đoạn đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) bị nước ngập  mênh mông, một số phụ huynh phải cõng con em mình, là học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ vượt qua “biển” nước. Một số người điều khiển xe máy đi qua đoạn đường này phải lội bì bõm trong dòng nước, vì xe hư động cơ.

Nhiều tuyến đường ngập nặng sau cơn mưa đầu mùa (ảnh: Đức Trung).

Nhiều tuyến đường ngập nặng sau cơn mưa đầu mùa (ảnh: Đức Trung).

Vừa tát nước, vừa phụ chồng dùng bạt và bao cát chắn trước cửa nhà tránh nước tràn vào, chị Trần Thị Hà, chủ quán ăn trên đường Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) lắc đầu ngao ngán bởi không buôn bán gì được. “Các cửa hàng kinh doanh ở tuyến đường này buôn bán bữa được, bữa không vì hễ mưa xuống là ngập hết. Khi mưa đã hết nửa tiếng, nước càng ngày càng dâng cao trên mặt đường, tràn vô nhà lên tới đầu gối. Nói chung, người dân rất khổ sở” - chị Hải than thở.

Người dân sống dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7) than phiền,  nhiều năm nay, mỗi lúc triều cường hay mưa lớn, cung đường ngập ngụa trong nước; năm sau nước luôn ngập cao hơn năm trước, người lưu thông không biết đâu là đường, đâu là sông. Bà con trong vùng đều ngóng chờ dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), nếu đúng tiến độ đã vận hành từ hơn 2 năm trước.

Nhiều năm nay, mỗi lúc triều cường hay mưa lớn, thì cung đường ngập ngụa trong nước; năm sau nước luôn ngập cao hơn năm trước, người lưu thông không biết đâu là đường, đâu là sông (ảnh: Đức Trung).

Nhiều năm nay, mỗi lúc triều cường hay mưa lớn, thì cung đường ngập ngụa trong nước; năm sau nước luôn ngập cao hơn năm trước, người lưu thông không biết đâu là đường, đâu là sông (ảnh: Đức Trung).

Theo ghi nhận của phóng viên, đường Võ Văn Ngân là một trong những tuyến đường trung tâm của TP Thủ Đức, với mật độ phương tiện lưu thông hàng ngày rất cao. Do địa thế dốc và quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều khu vực ao hồ bị lấp nên thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn. Từ năm 2017, TP đã phê duyệt DA xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân nhưng mãi đến giữa tháng 10/2020, DA mới chính thức khởi công với chiều dài 2,5km, tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng. Công trình được giao cho Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng quận Thủ Đức (cũ) làm chủ đầu tư, dự kiến thi công trong vòng 17 tháng. Đến nay, toàn DA chỉ mới đạt hơn 50% khối lượng thi công.

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 24/3, ông Nguyễn Huy Bình, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đã thông tin về tiến độ dự án chống ngập ngăn triều có xét đến biến đổi khí hậu - một dự án rất quan trọng của Thành phố.

Cống Mương Chuối thuộc dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: T.N

Cống Mương Chuối thuộc dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: T.N

Theo ông Bình, tới thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai thi công và hoàn thành khoảng 90%. Về một số vấn đề liên quan đến thủ tục, tái cấp vốn, Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung để giải quyết và làm việc với các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để hoàn thành tất cả thủ tục. Hiện tại, các thủ tục với Trung ương cơ bản đã hoàn thành, Thành phố đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Quyết tâm của Thành phố là sẽ hoàn thành cơ bản tại hiện trường trong năm 2022 năm 2023 sẽ hoàn thành các công tác quyết toán liên quan.

Được biết, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của TP.HCM, với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.      

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết,  đơn vị đã giao Thanh tra giao thông xử lý nghiêm tình trạng mất ATGT, vệ sinh môi trường trên tuyến đường Võ Văn Ngân. Sở cũng có đề nghị phía TP Thủ Đức chỉ đạo chủ đầu tư đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công DA nâng cấp hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát, nhà thầu. Thời gian tới, nếu chủ đầu tư tiếp tục để xảy ra tình trạng trên sẽ thu hồi giấy phép thi công.

Đài khí tượng cảnh báo mưa lớn kết hợp với triều cường nhiều khả năng gây ngập ở khu vực trũng thấp của thành phố như: Thảo Điền, Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Nguyễn Văn Hưởng, Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp)... Người dân di chuyển giờ tan tầm cần lưu ý khi qua các tuyến đường có địa hình trũng thấp.

Về thời tiết cùng ngày, TP.HCM ngày nắng, buổi chiều trời có mưa rào và dông. Nền nhiệt dao động 27-35 độ C.