Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người dân TP.HCM và Bình Dương lo lắng tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò

(Dân sinh) - Kênh Ba Bò nằm ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM, hàng ngày tiếp nhận gần 10.000m3 nước thải công nghiệp từ khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, 2 (Bình Dương)… khiến dòng kênh ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Kênh Ba Bò là một trong những tuyến tiêu thoát nước chính của tỉnh Bình Dương và TP.HCM, với tổng chiều dài 6,6km. Phía đầu nguồn, tỉnh Bình Dương có các tuyến thoát nước chính chảy vào kênh Ba Bò: nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình tại các phường thuộc TP Thuận An và TP Dĩ An; tuyến thoát nước thải sau xử lý của KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2. Vào năm 2017, kênh Ba Bò được tỉnh Bình Dương và TP.HCM đầu tư cải tạo với nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng, thế nhưng hàng ngày nước dưới dòng kênh vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối và nổi bọt trắng xóa.

Bà Võ Thị Nga, người dân sống lâu năm ở phường Bình Hòa (TP Thuận An) cho biết: "Trước đây, người dân ở hai TP Thuận An và Dĩ An đều trông chờ công trình cải tạo kênh Ba Bò sớm hoàn thành và đi vào hoạt động. Vậy mà từ khi công trình hoàn thành đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn không có cải thiện gì mấy. Tôi già rồi, không sống được bao lâu, chỉ thương tụi nhỏ phải ngửi mùi hôi liên tục, riết rồi chết sớm mất".

Đặc biệt, những ngày vừa qua, sau những trận mưa lớn, nước thải trong kênh Ba Bò bất ngờ nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi khó chịu.

Người dân TP.HCM và Bình Dương lo lắng tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng ở kênh Ba Bò - Ảnh 1.

Dòng nước đen ngòm ở Kênh Ba Bò.

Ghi nhận tại hiện trường, nước thải lờ mờ đen chảy từ phía tỉnh Bình Dương vào hồ điều tiết, rồi len lỏi qua kênh chính chảy về phía hạ nguồn sông Sài Gòn. Nước chảy tràn qua bậc tam cấp tạo ra lớp bọt trắng, nổi bên trên mặt nước. Dòng nước thải chảy về hạ nguồn có đoạn nhiều mảng nước đen chứa chất như kim loại nổi lềnh bềnh, đoạn thì nổi đầy váng màu vàng y như dầu nhớt. Nhiều người dân sống dọc bờ kênh cho hay, ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà máy móc, thiết bị trong nhà cứ mua dùng một thời gian ngắn là gỉ sét hết.

Không chỉ người dân tỉnh Bình Dương, mà nhiều hộ dân ở quận Thủ Đức, TP.HCM cũng kêu trời vì sự ô nhiễm ở kênh Ba Bò trong hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Viết Hải, ngụ khu phố 1, phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) than: "Suốt nhiều năm qua, sinh hoạt của người dân trong phường đã bị ảnh hưởng rất nhiều, người già, trẻ em thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp, do tình trạng ô nhiễm trên dòng kênh Ba Bò. Nhiều hộ gia đình trong vùng đã phải bán nhà chuyển đến nơi khác sinh sống vì không thể chịu nổi sự ô nhiễm quá mức".

Về thực trạng trên, một số chuyên gia về môi trường nhận định nguyên nhân là do hồ lắng, hồ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt chứ không xử lý được nước thải công nghiệp. Còn theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân chính khiến kênh Ba Bò mỗi ngày thêm ô nhiễm, là do một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh này.

Người dân TP.HCM và Bình Dương lo lắng tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng ở kênh Ba Bò - Ảnh 2.

Sau những trận mưa lớn, nước thải trong kênh Ba Bò bất ngờ nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi khó chịu.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân khiến kênh Ba Bò bất ngờ nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi khó chịu. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, kênh Ba Bò ô nhiễm do chất hoạt động bề mặt khá cao, vượt quy chuẩn từ 5 đến hơn 8,4 lần và trải đều từ thượng nguồn đến hạ nguồn kênh.

Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công ty Cổ phần Đại Nam và Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ tiến hành nạo vét các hố ga của hệ thống thoát nước mưa tại KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường thoát nước sau xử lý về hồ điều tiết, để không xả nước thải về kênh như hiện nay.

Đươc biết, nhiều năm qua, dù tỉnh Bình Dương và TP.HCM liên tục bàn thảo, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm kênh Ba Bò, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào ngăn chặn triệt để được các nguồn xả nước thải công nghiệp từ các KCN đầu nguồn, nước thải khu dân cư.