Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người gây bạo lực gia đình có thể phải lao động công ích

(Dân sinh) - Người có hành vi bạo lực gia đình được lựa chọn hình phạt lao động công ích. Công việc bao gồm trồng cây, làm sạch nơi công cộng, cải thiện môi trường sống và cảnh quan cộng đồng. Những việc cụ thể do chủ tịch cấp xã quyết định trên cơ sở thảo luận với cộng đồng dân cư.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, hầu hết đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã triển khai dự án luật một cách chủ động, tích cực theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri…

Các đại biểu cho rằng, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối. Thời gian qua, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm… của các thành viên gia đình, gây bất bình trong xã hội.

Để hoàn thành dự thảo luật, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình như: Ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; cản trở việc khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin…

Một số đại biểu đề nghị dự thảo luật nên quy định thêm nội dung: Người có hành vi bạo lực gia đình phải có mặt tại trụ sở Công an xã trong thời hạn 12 giờ tính từ lúc nhận được yêu cầu của Công an xã để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, tránh việc người có hành vi bạo lực gia đình chây ì, kéo dài thời gian.

Về quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng, trong thực tế, hành vi bạo lực gia đình đôi khi không chỉ đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình mà còn đe dọa tính mạng của những người xung quanh hay chính người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu đề nghị sửa nội dung Khoản 1 Điều 34 theo hướng: Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng con người.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Đáng chú ý, theo dự thảo, người từ 18 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình 2 lần/năm nhưng chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc đã bị xử phạt hành chính sẽ bị cộng đồng dân cư góp ý, phê bình. Trường hợp người này cố ý vắng mặt, công an cấp xã sẽ hộ tống đến.

Tuy nhiên, nếu người bạo lực gia đình tự nguyện làm việc phục vụ cộng đồng sẽ không bị áp dụng biện pháp nêu trên.

Công việc bao gồm: Trồng cây, làm sạch nơi công cộng, cải thiện môi trường sống và cảnh quan cộng đồng. Những việc cụ thể do chủ tịch cấp xã quyết định trên cơ sở thảo luận với cộng đồng dân cư.

Bà Thúy Anh cho biết, trong quá trình thảo luận, một số đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp xử phạt lao động vì lợi ích cộng đồng vào dự thảo luật, rà soát để đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thường vụ Quốc hội thấy rằng, bổ sung biện pháp mang tính xã hội nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng là cần thiết để xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

"Biện pháp này đã được các cơ quan đánh giá và rà soát tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Báo cáo kết quả tham vấn ý kiến nhóm lãnh đạo, người dân, trẻ em tại 5 tỉnh, thành cho biết đây là biện pháp có tính giáo dục cao và khả thi", bà Thúy Anh nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự án Luật đã được sửa theo hướng nêu trên, đồng thời bỏ quy định thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 20 tiếng và không quá 4 tiếng/ngày.

Quy định rõ trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, quy định người bạo lực gia đình phải lao động phục vụ cộng đồng là điểm mới, có tính răn đe, giáo dục cao. Tuy nhiên, điều khoản này cần thiết kế khoa học, chặt chẽ, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, các cơ quan cũng cần làm rõ tính tự nguyện lao động vì cộng đồng.

"Cần quy định rõ đây là biện pháp hành chính bắt buộc hay là tự nguyện để tránh mâu thuẫn và dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến chế tài không nghiêm", bà Trang nói.

Nữ đại biểu cũng đề nghị xem lại quy định người bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, bởi phần lớn người bị bạo lực và người bạo lực cùng gia đình nên việc thực thi sẽ khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long)

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long)

Cho rằng việc ngăn chặn xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu, kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết.

“Cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình”, đại biểu đề nghị.

Dù việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động lớn ngay song đại biểu cho rằng sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hàng ngày của người bị bạo lực gia đình, thành viên trong gia đình, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nêu ý kiến về các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Đại biểu Cường cho biết, biện pháp yêu cầu người bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã được quy định tại điều 24 của dự thảo.

Vị đại biểu này nhất trí quan điểm cần nâng cao của chính quyền, nhất là cơ quan công an cần can thiệp kịp thời những hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người bị bạo lực.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong quá trình chỉnh lý so với Kỳ họp thứ 3, đến nay luật này đã tiệm cận và hoàn thiện được các mục tiêu lớn. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt bao trùm là thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; thể chế hóa sâu hơn các quyền con người trong Hiến pháp 2013 đã được quy định; bám sát các thông lệ quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia… cũng như khắc phục các bất cập của luật hiện hành.

Đặc biệt, nhóm vấn đề mà các đại biểu quan tâm là việc bảo vệ các đối tượng yếu thế như trẻ em, người khuyết tật… mong muốn cần có chính sách cụ thể hơn nữa để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù.

“Trong đó, các đại biểu mong muốn phải có chính sách cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em trong phòng chống bạo lực gia đình. Ông thừa nhận, quả thực đây là một chủ trương xuyên suốt, trăn trở trong tất cả các cấp lãnh đạo của chúng ta cũng như toàn xã hội và những người đang làm luật", ông Hùng nói.

"Vì vậy khi xây dựng luật, đã mở rộng hơn so với các đối tượng yếu thế khác, thể hiện ngay trong nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình (tại Điều 4) cũng như bảo đảm tốt nhất cho trẻ em và còn nhiều nội dung khác được ghi trong các điều luật khác một cách cụ thể. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục là việc với cơ quan thẩm tra để làm rõ thêm về các nội dung, nội hàm mà đại biểu quan tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ thêm.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề về biện pháp, nhóm vấn đề về tư vấn, huy động nguồn lực trong phòng, chống bạo lực gia đình... để làm rõ hơn các nội dung và cụ thể hóa trong dự thảo luật.