Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người lính và những khúc tráng ca hào hùng

Trong nền âm nhạc Việt, hình tượng người lính đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhạc sĩ. Máu và hoa cùng hình ảnh của những người lính dũng cảm, quật cường đã làm nên chất thép trong những ca khúc cách mạng…

Rất nhiều những ca khúc bất hủ, vượt thời gian đã ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn bộn bề của cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954 như: “Đoàn Vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu), “Hành quân xa” (Đỗ Nhuận), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Tiểu đoàn 307” (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí), “Tình đồng chí” (thơ Chính Hữu, nhạc Minh Quốc), “Lên ngàn” (Hoàng Việt)… Người lính khi đó là chủ thể của những ca khúc âm nhạc với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ca từ mộc mạc nhưng giai điệu lại hào hùng tựa những khúc tráng ca, với tinh thần “Đâu có giặc là ta cứ đi” (Hành quân xa) và quyết tâm: "Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui" (Đoàn Vệ quốc quân)… trái tim quả cảm, sự gan dạ của người lính Cụ Hồ đã đi vào âm nhạc một cách dung dị và đời thường nhất.

Hình tượng người chiến sĩ được nhạc sĩ Hoàng Vân xây dựng trong ca khúc “Người chiến sĩ ấy” - sáng tác năm 1969, khi mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tròn một phần tư thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đây là tác phẩm âm nhạc dạng chính ca đầy đặn, trọn vẹn viết về người chiến sĩ. Hình tượng người chiến sĩ nổi bật, lớn lao, cao thượng, nhưng lại rất giản dị, gần gũi, mà ai như cũng đã gặp trên con đường đấu tranh cách mạng: "Bao nhiêu năm trường trên đường Cách mạng anh vẫn đi đi mãi không ngừng"...

Trong suốt những năm cầm súng đánh giặc, người chiến sĩ cũng đã từng bị "Đạn quân thù đã mấy lần rách áo anh", hoặc có khi bị địch bắt, tra tấn, tù đày: "Vào ra tù đã mấy lần anh nhỉ?"... Nhưng tất cả những khó khăn, gian khổ ấy không thể nào làm lung lạc ý chí kiên cường và bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, mà càng làm cho nghị lực người chiến sĩ cách mạng cao cả, phi thường và càng thêm vĩ đại. "Người chiến sĩ ấy", nhạc sĩ Hoàng Vân không viết về một người chiến sĩ cụ thể nào, nhưng người nghe luôn cảm thấy như đã gặp gỡ, gần gũi, thân thuộc trên khắp các chiến trường và trong suốt cả quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân ta.

Thành cổ Quảng Trị  50 năm trước (Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tĩnh)

Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước (Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tĩnh)

Trong các nhạc phẩm viết về người lính, có rất nhiều ca khúc về những người thương binh, liệt sĩ đã hy sinh, đã để lại một phần thân thể trên mảnh đất hình chữ S để dành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bài hát “Cỏ non Thành cổ” được nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác năm 1990. Theo lời kể của nhạc sĩ, đó là kết quả sau lần thâm nhập thực tế tại Thành cổ Quảng Trị - nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm máu lửa giữa ta và địch.

“Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về”…

 “Cho tôi hôm nay vào thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh…”

Những lời ca rất đỗi bình dị nhưng lại khắc vào lòng người nỗi day dứt khôn nguôi. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến những bài hát về đề tài thương binh, liệt sĩ thì “Cỏ non Thành cổ” của cố nhạc sĩ Tân Huyền là bài hát không thể không nhắc tới. Ca khúc quen thuộc này không chỉ gợi nhắc đến một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử mà còn là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng kể rằng, năm 1989, khi ông đang ngồi viết bài cho tạp chí Cửa Việt ở đường Quang Trung - sát ngay Thành cổ Quảng Trị thì nhìn thấy nhạc sĩ Tân Huyền lang thang về cửa Tây Thành cổ. Trong lúc ngồi nói chuyện, nhà văn Nguyễn Quang Lập nói với nhạc sĩ Tân Huyền: “Anh ạ, lắm khi em cứ nghĩ vẩn vơ không hiểu vì sao cỏ ở đây xanh hơn, tốt hơn các nơi khác. Có người nói đó là cỏ xương máu, không phải cỏ đất đai. Cứ đào bất kỳ nhát xẻng nào cũng có thể gặp một mảnh xương người…”. Sau này, cố nhạc sĩ Tân Huyền cũng thừa nhận, chính những lời chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Lập đã khiến cho nhạc sĩ xúc động lặng đi rất lâu và trong giây phút lặng yên đó tứ nhạc “bật” ra theo những dòng suy nghĩ. Ông đã lấy cỏ xanh non tơ của ngày hoà bình để khắc hoạ sự hy sinh của các liệt sĩ đã chiến đấu trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và nhắc nhớ thế hệ sau không bao giờ được quên những người đã không tiếc máu xương giành lại mảnh đất này.

Nhạc sĩ Tân Huyền chia sẻ thêm, ông viết bài này còn là vì có nỗi niềm riêng. “Em trai tôi đi bộ đội ở chiến trường miền Nam và từ ngày em đi, cứ đến chiều chiều là mẹ tôi lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng em trai tôi không bao giờ trở về nữa. Vì thế, cái đoạn “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” là có hình ảnh mẹ tôi. Viết được “Cỏ non Thành cổ”, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn, bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh của mình, với người mẹ đã khuất!”.

Những đoàn người đến viếng mộ liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị  hôm nay

Những đoàn người đến viếng mộ liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị hôm nay

Nếu như “Cỏ non Thành cổ” khắc họa hình ảnh người lính nằm xuống vì nền độc lập dân tộc, thì ca khúc “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến lại là hình ảnh người lính đã qua cuộc chiến đang sống ở thời bình,  là câu chuyện về người thương binh trở về từ chiến trường, tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng dạy học.

“Vết chân tròn vẫn đi về/Trên con đường mòn cát trắng quê tôi/Anh thương binh vẫn đến trường làng/Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương...

Một không gian bao la gợi mở cùng những hình ảnh đẹp như bức tranh hiện lên qua từng câu từ mà người nghe hình dung thật rõ nét. Đó là hình ảnh của một người lính trở về từ chiến trường. Sự trở về ấy thật kỳ diệu so với bao nhiêu cuộc chia ly vĩnh viễn. Tuy nhiên, hình hài anh đã không còn lành lặn bởi một phần đã gửi lại nơi chiến trường, nhưng hàng ngày anh vẫn cùng đôi nạng gỗ đi trên dải đường cát trắng đầy nắng gió đến trường làng, dạy cho những em thơ các bài hát quen thuộc về quê hương yêu dấu.

Và hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất chính là hình ảnh "vết chân tròn". “Vết chân tròn” hiện lên như dấu lặng giữa cuộc đời bao day dứt, giữa sự đằng đẵng của mấy mươi năm trường kỳ gian khổ, biết bao mưa bom bão đạn của chiến tranh tàn khốc. Vết chân đó cũng chính là tâm điểm làm nên cái "hồn" của bài hát, chạm vào sâu thẳm trái tim nhiều thế hệ.

“Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời/Bài hát có đồng lúa miên man câu hò/Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm/Cho hôm nay những gót chân son/Vui quanh dấu chân tròn…”. Cứ thế, âm điệu bài hát vút cao trong trẻo, dịu dàng, tràn đầy những xúc cảm. Thấp thoáng đâu đây là bóng dáng của bầy trẻ thơ ríu rít, những gót chân son đang vui vầy quanh “dấu chân tròn” của người thương binh. Đó là hình ảnh của thế hệ tương lai, nhờ những hy sinh của thế hệ đi trước mà ngày nay được sống trong sự yên bình và hạnh phúc. 

Với “Vết chân tròn trên cát”, nhạc sĩ Trần Tiến đã rất thành công khi khắc họa hình ảnh người thầy giáo thương binh. Khi trả lời báo chí về hoàn cảnh ra đời bài hát này, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, bài hát xuất phát từ một câu chuyện có thật. “Khoảng năm 1981, tôi lang thang ở Tiền Hải - Thái Bình và bắt gặp những dấu chân nạng trên bãi biển. Tôi hỏi, người dân cho biết đó là dấu chân của một anh thương binh vẫn dạy nhạc cho bọn trẻ trong làng. Tôi rất xúc động, đi từ bãi biển về nhà trọ thì hình thành nên bài hát “Vết chân tròn trên cát”. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa được diện kiến người thương binh ấy, nhưng những dấu chân tròn cứ ám ảnh tôi suốt đời…”.