Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguồn vốn chính sách tạo động lực để người dân Vĩnh Long phát triển kinh tế

(Dân sinh) - Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo cơ hội để người dân tỉnh Vĩnh Long được hỗ trợ về mặt tài chính, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Hàng nghìn người được hỗ trợ kịp thời

Thực hiện theo nghị quyết của Trung ương, tại Vĩnh Long, các cơ quan ban, ngành địa phương đã phối hợp đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực triển khai nhanh chóng, chính xác, hiệu quả công tác hỗ trợ dành cho các đối tượng cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, từng bước khắc phục thiệt hại, phục hồi và phát triển kinh tế.

Cụ thể, trên địa bàn đã có 2.163 người lao động được hỗ trợ với số tiền 6.679,978 triệu đồng  và 2.568 hộ kinh doanh được hỗ trợ với số tiền 7.704 triệu đồng.

Tỉnh cũng đã tiến hành hỗ trợ cho 3.012 đối tượng là hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và những người bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh với kinh phí 9.036 triệu đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 18.866 lượt lao động với kinh phí 10.351,5 triệu đồng.

Trung tâm dịch vụ việc làm Vĩnh Long tổ chức phiên giao dịch việc làm cho lao động sau dịch Covid-19.

Trung tâm dịch vụ việc làm Vĩnh Long tổ chức phiên giao dịch việc làm cho lao động sau dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, NHCSXH Vĩnh Long cũng đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân các khoản chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tiến hành chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ việc làm dành cho người lao động.

Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ nhanh, hiệu quả đến tay người dân, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được đẩy mạnh, giải quyết việc làm mới cho 2.858 lao động, lũy kế từ đầu năm được 26.112 lao động (đạt 130,56% kế hoạch), trong đó đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 101 lao động, tạo động lực mạnh mẽ để người dân tiếp cận với những cơ hội việc làm mới, sớm vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Nguồn vốn chính sách là “phao cứu sinh” cho người dân

Trước những diễn biến phức tạp và tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong thời gian qua, mọi mặt của đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, cùng với đó nhiều người dân, hộ kinh doanh, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đứng trước những thách thức không nhỏ để “tồn tại” sau dịch.

Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành đã tạo thêm cơ sở để NHCSXH Vĩnh Long triển khai các gói hỗ trợ vay vốn dành cho người dân trên địa bàn.

NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

NHCSXH tỉnh đã và đang phối hợp với các phòng, ban, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện cho vay kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chính sách phục vụ cho đời sống, sản xuất, khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc hỗ trợ để người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính sách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, tuyên tuyền để người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả cũng được NHCSXH phối hợp với các cơ quan ban, ngành, địa phương thực hiện.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho hơn 616.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gần 55.000 lượt lao động mở rộng cơ hội việc làm, chuyển đổi nghề, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững,...

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng giúp hơn 13.500 hộ dân cải thiện chất lượng nhà ở, hơn 148.000 lượt hộ dân được cái thiện chất lượng nước sinh hoạt và điều kiện vệ sinh, giúp hơn 36.000 lượt người vay phát triển kinh tế vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện, triển khai có hiệu quả đã giúp cho hàng nghìn người dân, đặc biệt là hộ nghèo, các đối tượng chính sách, nông dân được tiếp cận với những cơ hội rộng mở, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hộ gia đình anh Nguyễn Thanh Phương đăng ký vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để chăn nuôi bò sinh sản.

Hộ gia đình anh Nguyễn Thanh Phương đăng ký vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để chăn nuôi bò sinh sản.

Điển hình là hộ anh Nguyễn Thanh Phương, cư ngụ tại ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ. Anh Phương vay vốn từ tháng 9/2021 với số tiền 100 triệu đồng để chăn nuôi bò nái.

Theo anh Phương cho biết, thời gian qua tình hình dịch bệnh phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và thu nhập của gia đình, thông qua thông tin tuyên truyền của NHCSXH anh đã mạnh dạn liên hệ với Hội nông dân xã để đăng ký vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để chăn nuôi bò sinh sản.

Tính đến thời điểm hiện tại, đàn bò của gia đình anh được 3 con và đã sinh sản. Anh Phương cho biết, nhờ có nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình anh đã tạo được thu nhập ổn định vượt qua khó khăn mùa dịch.

Để thực hiện cho vay kịp thời nguồn vốn các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đề nghị toàn thể viên chức người lao động trong toàn chi nhánh cần phát huy tinh thần đoàn kết và thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Phấn đấu hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu được giao.

Tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.