Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguy cơ phá sản vì dự án không thể triển khai, Công ty Kim Oanh cầu cứu Thủ tướng Chính phủ

Trước nguy cơ phá sản vì bị Công ty Thiên Phú và các bên liên quan gây khó dễ việc triển khai Dự án Khu dân cư Hòa Lân, Công ty Kim Oanh đã cầu cứu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ các quy trình và quy định để chấn chỉnh và chấm dứt những việc làm cũng như hành vi sai trái để không tạo ra tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác.

Như dansinhvn.com đã phản ánh, vụ việc bắt nguồn từ việc vay mượn giữa Công ty Thiên Phú và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank). Theo đó, Cty Thiên Phú thế chấp Dự án Khu dân cư Hòa Lân tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích là hơn 490,765 m2 để vay 305 tỷ đồng và gần 19 nghìn lượng vàng của Agribank - Chi nhánh Chợ Lớn để thực hiện dự án. Tổng dư nợ sau quy đổi hơn 1.117 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau một thời gian dài dự án không thể triển khai được, Cty Thiên Phú không trả được nợ nên năm 2015 đã ký biên bản bàn giao dự án để phía ngân hàng toàn quyền bán đấu giá thu hồi nợ. Thực hiện phương án này, Agirbank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú thống nhất chọn Công ty Cổ phần Thẩm định giá và tư vấn Quốc tế thực hiện thẩm định giá tài sản và Công ty Cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn để tiến hành đấu giá tài sản theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Nguy cơ phá sản vì dự án không thể triển khai, Công ty Kim Oanh cầu cứu Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Chỉ đến phiên đấu giá thứ 13 được tổ chức tại trụ sở của Công ty Thiên Phú ngày 25/5/2017, thì Cty xây dựng A Đông Hải (nay là Cty Kim Oanh) đã trúng đấu giá, với giá trị là 1.353 tỷ đồng, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Sau đó, ngày 1/7/2017 Công ty Kim Oanh đã cùng với Agribank Chợ Lớn, Công ty Cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Thiên Phú ký kết hợp đồng Mua bán tài sản bán đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG.

Vượt qua rất nhiều khó khăn để giải quyết những hệ lụy mà Công ty Thiên Phú để lại trong quá trình triển khai dự án, đến nay Công ty Kim Oanh đã hoàn tất thanh toán tổng số tiền gốc mua tài sản đấu giá là 1.353 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả là hơn 97 tỷ đồng.

Theo đơn thư kêu cứu của Cty Kim Oanh, trong suốt quá trình bán đấu giá; ký kết biên bản bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản… Công ty Thiên Phú đã tự nguyện bàn giao tài sản, tham gia đầy đủ và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, khi mọi việc tưởng đã an bài, bất ngờ Công ty Thiên Phú khiếu nại về việc tổ chức bán đấu giá tài sản một cách vô căn cứ.

Từ khiếu nại của phía Cty Thiên Phú, Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc thanh tra đối với đơn vị đấu giá là Cty đấu giá Nam Sài Gòn. Theo đó, nội dung Kết luận số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp, tái khẳng định trong Báo cáo số 91/BC-BTP, ngày 29/3/2019, gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: "Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của Công ty Nam Sài Gòn không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Hợp đồng chuyển nhượng đã được các bên ký kết; việc hủy hay tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của bên có tài sản (Agribank Chợ Lớn)".

"Quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản theo hợp đồng số 10/2015/HĐĐG ngày 17/6/2015, công ty đấu giá về cơ bản đã thực hiện trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Các nội dung tố cáo là không có cơ sở".

Theo kết luận kể trên, đương nhiên Công ty Thiên Phú hết quyền đối với tài sản là Dự án KDC Hòa Lân và Agribank Chợ Lớn tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đã ký để tạo điều kiện cho Công ty Kim Oanh triển khai dự án. Đến nay, Công ty Kim Oanh đã hoàn tất thanh toán tổng số tiền gốc mua tài sản đấu giá là 1.353 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả là hơn 97 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 14/2/2019, Cty Thiên Phú đã làm đơn khởi kiện ra TAND quận 7, TP. HCM. Ngày 27/2/2019, TAND quận 7 đã thụ lý vụ án và ngày 15/3/2019 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ - BPKCTT cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc Dự án Hòa Lân.

Đại diện Cty Kim Oanh bức xúc, theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, "Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết". Như vậy, khu đất được bán đấu giá không ở quận 7 mà ở tỉnh Bình Dương, nên vụ án sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 7.

Nguy cơ phá sản vì dự án không thể triển khai, Công ty Kim Oanh cầu cứu Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 3.

Công ty Kim Oanh cầu cứu Thủ tướng Chính phủ

Theo quy định của Điều 121, Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa chỉ được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Cấm dịch chuyển quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp" khi có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Nhưng trong vụ việc này, Cty Thiên Phú là người đang đứng tên trên 85 Giấy chứng nhận QSDĐ và đang đăng ký giao dịch đảm bảo tại Agribank, nhưng TAND quận 7 lại cấm Cty Kim Oanh chuyển dịch quyền về tài sản là QSDĐ theo 85 giấy chứng nhận QSDĐ này (?)

Mặt khác, Cty Kim Oanh đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản đấu giá gần 1.500 tỷ đồng, điều đó khẳng định nghĩa vụ dân sự của Cty Kim Oanh đã chấm dứt theo quy định tại khoản 1, Điều 372, Bộ luật Dân sự và đã nhận toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ bản chính, thông báo giải chấp và đơn yêu cầu xóa thế chấp từ Agribank Chợ Lớn.

Cũng liên quan đến vụ việc, trong văn bản gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và các cơ quan liên quan, Agribank Việt Nam đề nghị: TAND tối cao có ý kiến với TAND quận 7, TP. Hồ Chí Minh đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản…

Đến nay, Cty Kim Oanh đã chi thêm hàng trăm tỷ đồng vào dự án như: bồi thường cho các hộ dân theo suất tái định cư 29,8 tỷ đồng; chi tiền mua đất "da beo" của các hộ dân nằm trong ranh giới dự án Hòa Lân để hoàn thiện dự án gần 48 tỷ đồng; chi tiền di dời các hộ lấn chiếm phần đất dự án, trả chi phí đo đạc cho Nhà nước và thanh toán nợ thuế đối với phần đất do chủ đầu tư cũ để lại trên 100 tỷ đồng.

Theo Công ty Kim Oanh, quy hoạch của khu đất dự án rộng 55,6ha nhưng Công ty Kim Oanh chỉ trúng đấu giá 49ha nên không đủ điều kiện đăng ký làm chủ đầu tư. "Đúng ra chính quyền địa phương phải cho chủ trương đầu tư dự án thì doanh nghiệp mới có cơ sở để tiến hành đền bù giải phòng mặt bằng".

Lý do thứ hai là Kim Oanh chưa thanh toán đủ tiền trúng đấu giá cho Agribank (trong khi Agribank có văn bản bảo đảm và đề nghị chính quyền địa phương cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư vì đây là điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá).

"Sự chậm trễ chuyển đổi chủ đầu tư của chính quyền địa phương cho doanh nghiệp trúng đấu giá theo đúng quy định pháp luật đã tạo điều kiện cho Công ty Thiên Phú và nhóm lợi ích tố cáo không có cơ sở đến Thanh tra Bộ Tư pháp. Sau đó chính quyền địa phương yêu cầu phải có kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp mới cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư. Nhưng sau khi có kết luận của Bộ Tư pháp thì dự án vẫn dính vào những sự việc do Cty Thiên Phú tạo ra để cản trở thực hiện dự án.

Mặt khác, việc Cty Thiên Phú cáo buộc  Agribank Chợ Lớn thông đồng để loại bỏ Cty Thủ Đức House là không đủ căn cứ, vì Cty này trả giá thấp hơn Cty Kim Oanh, vì vậy nên không trúng đấu giá là đương nhiên.

Từ những căn cứ trên, Cty Kim Oanh cho rằng Cty Thiên Phú đã vi phạm cam kết nghĩa vụ dân sự tại biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ngày 17/4/2015. Cụ thể, khi bán đấu giá thành công tài sản nói trên, Cty thiên Phú có nghĩa vụ và trách nhiệm phối hợp cùng ngân hàng giao tài sản, hỗ trợ cho bên mua thực hiện quyền đăng ký quyền sở hữu… khi các cơ quan Nhà nước yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Do đó, Cty Kim Oanh cầu cứu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ các quy trình và quy định để chấn chỉnh và chấm dứt những việc làm cũng như hành vi sai trái của Cty Thiên Phú và các bên liên quan để không tạo ra tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác làm theo, cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản.