Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguyên Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài khai gì?

(Dân sinh) -Tại phiên tòa, ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận, hành vi ký các quyết định không đúng pháp luật đối với dự án ở khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1.

Ngày 16/9, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bốn đồng phạm gồm: Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue); Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên và Môi trường).

Liên quan đến vụ án, HĐXX triệu tập 26 tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Đại diện UBND TP.HCM; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Ban chỉ đạo 09; Công ty Quản lý kinh doanh nhà; Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm; Công ty cổ phần đầu tư Lavenue và 11 cá nhân cũng đến tòa theo lệnh triệu tập.

Tại phiên tòa, chủ tọa cũng lưu ý các luật sư và người tham gia tố tụng về việc sử dụng các tài liệu mật trong vụ án, phải chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo bí mật Nhà nước.

Nguyên Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài khai gì? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm tại toà.

Được mời lên xét hỏi đầu tiên, ông Nguyễn Thành Tài khai, biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Dù UBND TP.HCM ra chỉ đạo thu hồi khu đất này để đấu thầu, chọn lựa nhà đầu tư xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, không áp dụng hình thức liên doanh liên kết.

Sau đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã đề xuất UBND TP áp dụng hình thức liên doanh liên kết để chọn nhà đầu tư và được đồng ý.

Để thực hiện, Nguyễn Thành Tài chấp thuận cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà, Công ty Hoa Tháng Năm (do Lê Thị Thanh Thúy làm chủ tịch) liên doanh với 4 công ty của Bộ Công Thương thực hiện dự án.

Khi HĐXX xét hỏi về việc chấp thuận trên có đúng với quy định của Thủ tướng về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không thì cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCMcho rằng lúc đó bản thân nhận thức là đúng, được Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu nhiều vấn đề, nhưng so lại thì không đúng.

Về Công ty Hoa Tháng Năm ông Tài khai không biết gì về công ty này và không gặp công ty này, mà do Công ty Quản lý kinh doanh nhà (QLKDN)giới thiệu.

"Tôi biết công ty này có năng lực đầu tư và có quyết tâm đầu tư cho công trình này nên chấp thuận", ông Tài khai.

Ông Tài giải thích thêm, thời điểm đó kinh tế đang suy thoái, nên ông muốn đẩy mạnh dự án để thu hút lao động, phát triển kinh tế…

Tuy nhiên, ông thừa nhận việc làm trên là trái với quy định pháp luật.

Còn về mối quan hệ với bà Thúy, ông Tài khẳng định chỉ là quan hệ bình thường, giống như các doanh nghiệp khác với lãnh đạo thành phố.

Nguyên Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài khai gì? - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Thanh Thúy bị công an đưa đến toà.

Theo cáo trạng, năm 2007, khu đất số 8-12 Lê Duẩn do Công ty QLKDN quản lý và cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở.

Khu đất này được Ban chỉ đạo 09 do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân làm Trưởng ban đề xuất, giao Công ty QLKDN lập thủ tục bán đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Công ty QLKDN được UBND TP.HCM chấp thuận cho làm chủ đầu tư, góp 50% vốn dự án còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương góp (chia đều mỗi công ty là 12,5%).

Tuy nhiên, sau đó các công ty của Bộ Công Thương sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời.

Cáo trạng xác định, ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng nên biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài, bà Thúy với ông Tài, nhờ tác động Công ty QLKDN cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Trong khi đó công ty của Thúy không có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn như yêu cầu thành phố đặt ra.

Công ty QLKDN sau đó thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue, đồng thời kiến nghị cho Công ty TNHH Một thành viên Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư 30% vốn (trong tỷ lệ góp vốn 50% của Công ty QLKDN) cùng thực hiện dự án.

Tháng 8/2010, ông Tài tổ chức họp, chấp thuận cho công ty của bà Thúy được thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại.

Nguyên Phó chủ tịch TP cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành hoàn tất thủ tục cho công ty này được giao và thuê đất.

Tháng 6/2011, ông Tài ký quyết định cho Công ty Lavenue sử dụng toàn bộ khu đất xây khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn.

Tổng nghĩa vụ tài chính công ty này phải nộp ngân sách Nhà nước là hơn 647 tỷ đồng, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và tiền thuê theo đơn giá thị trường.

Trong vụ việc, bà Lê Thị Thanh Thúy có vai trò đồng phạm, thực hiện hành vi xúi giục, tác động Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đối với ông Nguyễn Thành Tài VKS truy tố việc chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án, cũng như chấp thuận cho Công ty Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại là trái quy định.

Từ sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Tài, các bị cáo Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Nguyễn Hoài Nam đề xuất ký các quyết định vi phạm pháp luật dẫn đến khu đất "vàng" bị chuyển nhượng sang công ty của Lê Thị Thanh Thúy.

Bản thân các bị cáo biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định...

Cáo trạng xác định sai phạm của cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM và 4 đồng phạm gây ra là 2.554 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Công ty Lavenue đã nộp ngân sách Nhà nước 647 tỷ đồng nên thiệt hại còn 1.927 tỷ đồng.