Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ: Phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương

Tại Hội thảo khoa học về “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần phải lựa chọn, tính toán các phương án nhà ở an toàn theo tình hình của địa phương, điều kiện của từng gia đình và văn hóa mỗi vùng miền.

Hiện nay có 2 mô hình nhà chống bão: Nhà nổi và nhà cố định có thêm một số bộ phận để đảm bảo trong bão lũ. Không có một mô hình nào hoàn hảo vì mỗi một mô hình đều có thể thích ứng với một điều kiện cụ thể.

Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ: Phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương - Ảnh 1.

Mô hình nhà cố định.

Nhà kê nền gồm nhà kê nền thấp, mô hình sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm. Độ cao này được tính toán dựa theo thực tế để đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn nhà dễ dàng mà không gây tác hại đáng kể đến hệ kết cấu khung nhà.

Nhà kê nền cao với nền nhà được nâng lên trên mặt đất khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc sử dụng cho gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân.

Nhà kê nền linh hoạt là mô hình có thể tách rời liên kết giữa khối nhà và móng để nâng nhà khi cần mà không phải phá huỷ kết cấu. Mô hình nhà linh hoạt là một lõi an toàn, giảm nhẹ tổn thất do thiên tai (bão, lụt).

Mô hình nhà phao gắn liền nhà xây là một gian nhà phao trên gác ngôi nhà xây. Gian nhà này có cơ cấu nổi vượt trên mức nước ngập với mức nổi tối đa trên 10m so với sàn tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời còn là điểm neo chân cho khung nhà.

Năm 2020 là một năm thời tiết dị thường. Sau đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung có hơn 250.000 ngôi nhà bị tốc mái. Cho đến nay số nhà bị tốc mái này cơ bản đã được sửa chữa nhưng vẫn còn khoảng hơn 1.500 nhà bị sập hoàn toàn cộng thêm khoảng 150.000 nhà thuộc diện sẵn sàng phải di dời.

Theo thống kê, chi phí cho một ngôi nhà ở an toàn đảm bảo chống bão lũ cần tối thiểu 2 triệu đồng/m2. Như vậy với một gia đình 4 người thì cần 30 - 35m2, tương đương 60 - 70 triệu đồng.

Hiện nay có rất nhiều cơ chế để hỗ trợ người dân về nhà ở an toàn trong vùng bão lũ. Trong đó có Quyết định 48 của Chính phủ từ năm 2014, hỗ trợ mỗi hộ gia đình 12 - 16 triệu đồng để xây nhà chống bão, lũ. Qua đó 15.000 ngôi nhà đã được xây với chất lượng được đánh giá khá tốt. Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ 1.700 USD cho một gia đình và đã có 3.500 ngôi nhà được xây dựng.