Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Nhập khẩu" cô dâu – tưởng đùa mà… thật!

(Dân sinh) - Theo số liệu điều tra gần đây nhất ở Việt Nam, tỷ lệ giới tính khi sinh là cứ 111,5 bé trai chào đời mới có 100 bé gái, trong khi 11 năm trước con số này là 110,6/100 và bình thường dao động ở mức 104 - 106/100; thậm chí có những địa phương tỷ lệ này còn chênh lệch lớn hơn.

Trong khi đó, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc cho biết, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40.800 trẻ gái. TP. Hồ Chí Minh - địa phương có tỷ lệ sinh thấp nhất nước, đã có năm xuống dưới 1,3 con/bà mẹ thay vì mức 2 con/bà mẹ như thông thường. Tính toán của cơ quan này cho thấy, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40.800 trẻ gái, chủ yếu do "tập quán" lựa chọn giới tính của nhiều người.

"Nhập khẩu" cô dâu – tưởng đùa mà… thật! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Như vậy, nguy cơ sau vài chục năm tới, mỗi năm, hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ "ế vợ" vì thiếu "đối tác" – một viễn cảnh đáng lo ngại.

Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, nhiều chuyên gia về dân số đã cảnh báo về nguy cơ tương lai hàng triệu đàn ông Việt Nam không thể tìm được vợ vì tình trạng chênh lệch giới tính diễn ra ngày một trầm trọng hơn. Vài chục năm qua, Việt Nam vốn là nước "xuất khẩu" cô dâu – chủ yếu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, nhưng trong tương lai thì điều này hoàn toàn có thể… đảo ngược, khi nước ta cần phải "nhập khẩu" cô dâu từ các nước khác để cân bằng tỷ lệ giới tính cho người trong độ tuổi kết hôn.

Cùng với đó, không ít chuyên gia xã hội học cho rằng, một khi phụ nữ trở nên "khan hiếm" thì các tiêu chuẩn đối với cánh đàn ông khi tìm vợ sẽ ngày một cao hơn: Không chỉ dừng ở mức bình thường như hiện nay mà các tiêu chí về: Tài chính, học thức, hình thức, kỹ năng ứng xử… sẽ là thách thức không nhỏ mà cánh đàn ông phải đối mặt.

Tình trạng mất cân bằng giới tính không chỉ là vấn đề nan giải đối với lĩnh vực hôn nhân mà còn là nguyên nhân dẫn tới nhiều "rắc rối" khác đối với xã hội và kinh tế. Vì thế, không thể xem thường vấn đề này, phải tìm cách giải quyết thấu đáo. Các quốc gia từng gặp phải vấn đề này đã rất "thấm thía", tìm cách giải quyết bằng nhiều giải pháp: Về ngắn hạn, họ tạo điều kiện để "nhập khẩu cô dâu"; về lâu dài, điều chỉnh chính sách dân số phù hợp nhằm xoay chuyển tình thế.

Việt Nam vừa có định hướng mới về dân số. Sau nhiều năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện chính sách gia đình ít con, định hướng dân số mới là khuyến khích 21 địa phương đang có mức sinh thấp đạt mức sinh thay thế, các địa phương có mức sinh cao thì vận động về mức sinh thay thế. Mặc dù mức tăng dân số tuyệt đối vẫn duy trì nhưng chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh là vấn đề cần phải giải quyết. Thời gian qua, những can thiệp cho cải thiện chất lượng dân số, giảm chênh lệch giới tính khi sinh chưa nhiều và chưa hiệu quả. Can thiệp không tích cực, trong khi điều kiện lựa chọn giới tính lại dễ dàng thì chênh lệch giới tính sẽ ngày càng tăng và càng khó can thiệp.

Mỗi người, mỗi gia đình cần ý thức rõ về vấn đề này để cùng xã hội, cộng đồng cùng giải "bài toán khó" chênh lệch tỷ lệ giới tính một cách hiệu quả trước khi quá muộn.