Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều chính sách về BHYT có hiệu lực từ tháng 1/2023

"Quy trình giám định BHYT mới, đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà, sửa hướng dẫn về đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, nhận thẻ BHYT hộ người thân không cần mang theo sổ hộ khẩu"- đây là 4 chính sách mới về BHYT sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2023.

Quy trình giám định BHYT mới- thực hiện song song 2 hình thức giám định

Từ ngày 1/1/2023, Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam đã đề ra những quy định mới về Quy trình giám định BHYT. Theo đó, đối tượng áp dụng sẽ là cơ quan BHXH các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KCB BHYT.

Quyết định số 3618/QĐ-BHXH đã hướng dẫn cụ thể 2 hình thức giám định được thực hiện song song bao gồm: Giám định chủ động- do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện; giám định tự động- là hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử.

Ngoài ra, quy trình giám định mới cũng hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí KCB BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu; giám định thanh toán trực tiếp.

Đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà

Theo Quyết định số 3510/QĐ-BHXH năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) của BHXH Việt Nam, trường hợp chỉ đăng ký tham gia BHYT bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được NSNN hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng DVC quốc gia. Vì vậy, từ ngày 1/1/2023, người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT thông qua Cổng DVC quốc gia mà không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, Điều 2 Quyết số 3510/QĐ-BHXH quy định, tính năng đăng ký BHYT online trên Cổng DVC quốc gia chỉ áp dụng cho các nhóm đối tượng sau: Người tham gia BHYT thuộc diện được NSNN hỗ trợ tiền đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình; người tham gia BHYT hộ gia đình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sửa hướng dẫn về đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình

Điều 37 Luật Cư trú 2020 đã sửa đổi thuật ngữ về hộ gia đình tham gia BHYT tại Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung 2014 với định nghĩa như sau: "Hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú".

Để đảm bảo tính thống nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, bao gồm: Những có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú; những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú; những người có chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được NSNN hỗ trợ đóng BHYT.

Nhận thẻ BHYT hộ người thân không cần mang theo sổ hộ khẩu

Theo Khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú 2020, Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú đã được cấp chỉ có thể sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023 trở đi, 2 loại sổ này không còn giá trị sử dụng. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP điều chỉnh một số thủ tục liên quan đến BHYT sau khi bỏ sổ hộ khẩu.

Cụ thể, tại Mục 4, phần hướng dẫn của Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã bỏ cụm từ “bản sao sổ hộ khẩu” trong số các giấy tờ mà người đi nhận kết quả thay phải xuất trình nhằm chứng minh quan hệ là nhân thân hoặc giám hộ đối với người được cấp thẻ BHYT.

Như vậy, trường hợp người thân hoặc người giám hộ đi nhận kết quả thay thì phải xuất trình các giấy tờ sau: Giấy hẹn; CMND/CCCD; giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân (bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh hoặc Giấy kết hôn hoặc Giấy xác nhận cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư hoặc quyết định công nhận việc giám hộ).

Có thể nói, BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh, nhờ đó, nhiều gia đình đã không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám chữa bệnh cho người thân. Không chỉ là giá trị vật chất, chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập lại với cuộc sống.