Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều chương trình vui xuân, đón Tết 2023 tại khu di sản Huế

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nhân dịp chào xuân 2023 và đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tại khu di sản Huế sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hoá, nghệ thuật hấp dân để phục vụ người dân và du khách.

Hoạt động văn hoá nhân dịp năm mới tại Đại Nội Huế. Ảnh tư liệu

Hoạt động văn hoá nhân dịp năm mới tại Đại Nội Huế. Ảnh tư liệu

Cụ thể, ngay trong ngày 1/1/2023, tại khu vực Đại Nội Huế sẽ diễn ra nghi thức Khai mạc Festival Huế 2023 và Tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn. Tiếp theo đó, ngày 10/1/2023 sẽ diễn ra Lễ húy kỵ vua Gia Long tại Thiên thọ lăng (lăng vua Gia Long). Cùng ngày, sẽ diễn ra chương trình thuyết trình giới thiệu về "Hàm Nghi - hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" do bà Amandi Dabat (TS lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi) trình bày; khai mạc không gian "Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật" tại nhà Tế Tửu, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. 

Sau đó, hàng loạt sự kiện sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức, phối hợp tổ chức nhân dịp năm mới, như: Lễ Dựng Nêu tại Triệu Miếu và Thế Miếu (Đại Nội Huế; ngày 14/1/2023, nhằm ngày 23 tháng Chạp Âm lịch); Hội thi gói bánh chưng, bánh Tét và chương trình Hương xua báng Tết; Lễ Dâng tiến hương xuân (ngày 16/1, tức ngày 25 tháng Chạp); Chương trình văn nghệ đón Giao thừa, bắn pháo hoa tầm thấp tại Ngọ Môn - Kỳ Đài; Chương trình nghệ thuật Xuân quê hương, bắn pháo hoa tầm cao tại Kỳ Đài (21/1, nhằm 30 tháng Chạp).

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ mở cửa miễn phí phục vụ nhân dân vui Tết tại khu di sản Huế và tổ chức các chương trình phục vụ nhân dân vui Tết tại Khu vực Đại Nội trong các ngày từ 22 – 24/1 (Mùng 1, 2, 3 tháng Giêng Âm lịch 2023). Đến ngày 28/1/2023 (Mùng 7 tháng Giêng) sẽ diễn ra Lễ Hạ Nêu tại Triệu Miếu và Thế Miếu (Đại Nội). Sau mùng 10 tháng Giêng sẽ tổ chức Lễ Tế Đàn Nam Giao và Lễ Tết trồng cây.

Trong năm 2023, tại khu di sản Huế cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện để phục vụ nhân dân và du khách, như: Trại sáng tác Mỹ thuật và Di sản lần 2 với chủ đề: Cảm hứng diễn xướng cung đình Huế; Trại sáng tác Nhiếp ảnh và Di sản lần 1, với chủ đề: Vẻ đẹp kiến trúc cung đình Huế; Lễ Tế Giao; Lễ Tế Xã Tắc; Chương trình Quảng diễn võ thuật Karate; Trưng bày Sách cổ hiến tặng, triển lãm Ngự chế minh văn cổ khí đồ của vua Minh Mạng; Lễ dâng sách Đại Nam Thực lục; Lễ hội điện Huệ Nam; Trưng bày, triển lãm hoa Phong lan ba miền; Tuồng Huế, ngàn xưa âm vọng lần 2; Lễ Tế Âm hồn; Chương trình nghệ thuật Văn hiến Kinh kỳ.

Đặc biệt, Quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại; Hội thảo 20 năm, thực hiện Công ước bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và công tác Bảo tồn, phát huy giá trị bền vững Di sản Văn hóa Thế giới ở Huế, từ chặng đường 30 năm hướng đến hành trình mới; Chương trình Trại hè Di sản; Lễ Tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và quảng diễn Áo dài; Không gian Gốm mỹ thuật Bát Tràng; Triển lãm Châu bản triều Nguyễn; Triển lãm Sông núi Việt Nam trên Cửu Đỉnh; Lễ ra mắt Trung tâm giáo dục, trải nghiệm Di sản; Lễ Kỷ niệm 100 năm Mussé Khải Định; Lễ hội điện Huệ Nam; Quảng diễn Lung linh sắc Huế; Chương trình nghệ thuật Áo dài và Di sản; cuộc Thi tìm hiểu Di sản Cố đô Huế; Chương trình nhạc cảnh Ca Huế “Hoàng cung vào đông”,…

Tái hiện Lễ Ban sóc (phát lịch) đầu năm mới tại cửa Ngọ Môn - Đại Nội Huế

Tái hiện Lễ Ban sóc (phát lịch) đầu năm mới tại cửa Ngọ Môn - Đại Nội Huế

Theo ông Hoàng Việt Trung, trong năm 2022 Thừa Thiên Thiên Huế ước sẽ đón 2,05 triệu lượtkhách du lịch, trong đó có khoảng 260.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. 

Trong năm, nhiều hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc được tổ chức, nhất là các chuỗi sự kiện, chương trình Festival Huế 2022, một số sản phẩm, điểm đến du lịch mới gắn với du lịch xanh, thể thao và chăm sóc sức khỏe được hình thành, góp phần tạo điểm nhấn để kích cầu, phục hồi phát triển dần trở lại ngành du lịch. 

Trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đón khoảng 3-3,5 triệu triệu lượt khách. Huế sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao với các sản phâm mới, đặc thù để tạo sự khác biệt với các tỉnh thành khác bên cạnh sản phẩm văn hóa- di sản, đó là: du lịch chăm sóc sức khỏe, tâm linh, nông thôn, một số lễ hội có tính thu hút khách cao (Lễ hội khinh khí cầu, ẩm thực, thể thao, âm nhạc,..); tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, chiến lược truyền thông quảng bá du lịch; các chương trình kích cầu du lịch (có chính sách ưu đãi các đoàn MICE, các đoàn tour bay theo tuyến charter mới); đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công mới các dự án hạ tầng kết nối các điểm du lịch.; xúc tiến đầu tư khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng; kết nối các hãng lữ hành lớn nhằm triển khai các chương trình tour mới đến miền Trung với đích chính là Thừa Thiên Huế; đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng.