Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều cơ hội việc làm cho lao động thất nghiệp sau khi học nghề

Hỗ trợ đào tạo nghề giúp NLĐ thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động là một trong 4 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều người lao động (NLĐ) sau khi thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) đã được trang bị kỹ năng nghề, giới thiệu việc làm mới, chuyển đổi công việc để hòa nhập cuộc sống tốt hơn.

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, từ tháng 3/2022 Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tổ chức các lớp học nghề cho đối tượng NLĐ thất nghiệp. Các ngành nghề dành cho NLĐ đăng ký tham gia học rất đa dạng, gồm khoảng 20 nghề do Trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đã được cấp phép tổ chức đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của NLĐ cũng như giảm thiểu thời gian đi lại của họ. Hiện tại Trung tâm DVVL Hà Nội, một số nghề như Kỹ thuật pha chế đồ Kỹ thuật chế biến món ăn, Lái xe, Làm bánh… được rất nhiều người lao động ưa thích và đăng ký tham gia khóa học.  Đây đều là những nghề "hot" được đào tạo phù hợp với xu hướng sử dụng lao động của thị trường. Hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đa số người học nghề đã trở lại thị trường lao động, sau khi hoàn thành chương trình học.  Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu cho biết, Trung tâm tổ chức đào tạo theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời gian, tỷ lệ học lý thuyết - thực hành. Mức kinh phí hỗ trợ học nghề tăng lên là phù hợp với giá cả thị trường; đồng thời Trung tâm có điều kiện mua thêm nguyên vật liệu để học viên được thực hành nhiều lần hơn đảm bảo thuần thục. Ngoài ra, chương trình học nghề cũng được điều chỉnh với nội dung đa dạng hơn để hấp dẫn người học và phù hợp với thị trường.

Ngoài ra, Trung tâm DVVL Hà Nội còn gắn kết tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Cụ thể, tại những buổi lễ tốt nghiệp khóa học nghề, Trung tâm DVVL Hà Nội thường mời các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động làm ở vị trí gắn với nghề NLĐ đã học, để cung cấp thông tin về vị trí việc làm, mức lương và học viên có nhu cầu thì đăng ký. Ngoài ra, cán bộ Trung tâm DVVL cũng sẽ tới lớp học để cung cấp thông tin thị trường lao động; thông báo về những phiên giao dịch việc làm giúp NLĐ đến tiếp cận nhiều DN và tham gia ứng tuyển, nhằm sớm quay trở lại thị trường lao động…

Nấu ăn là một trong số những nghề được nhiều người lao động lựa chọn

Nấu ăn là một trong số những nghề được nhiều người lao động lựa chọn

Hiệu quả  của các lớp học nghề đã được minh chứng qua thực tế. Rất nhiều lao động tham gia lớp học nghề đã tìm được việc làm sau một thời gian thất nghiệp do Covid-19. Chị Hoàng Anh (Hoàng Mai- Hà Nội) là hướng dẫn viên du lịch, bị mất việc trong giai đoạn giãn cách xã hội. Khi đi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ BHTN, chị  đăng ký học nghề pha chế đồ uống. Đến thời điểm này, chị đã mở quán bán nước ép trái cây để chuyển đổi công việc… Một học viên khác của lớp là chị Mỹ Anh (Tây Hồ- Hà Nội), sau khóa học cũng tìm được  công việc tại một nhà hàng tại Hà Nội với mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, khá nhiều học viên đang theo học các lớp pha chế đồ uống tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết có ý định kinh doanh đồ uống online, mở quán hàng tại nhà hoặc thuê cửa hàng.

Ông Trần Tuấn Tú Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng: “Trong thời kỳ kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định được vai trò của mình  trong việc hỗ trợ đối với người thất nghiệp thông qua các chính sách: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nhiều địa phương chưa chú ý đến đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động bị thất nghiệp. Tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là mục tiêu đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp  thời gian tới.