Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều điểm mới trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo

(Dân sinh) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được ưu tiên bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đạt 42.334,618 tỷ đồng; đặc biệt, quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG có nhiều điểm đổi mới.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2016-2020 và trước yêu cầu thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 về Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong triển khai các CTMTQG, trong đó có CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 nhằm các mục tiêu: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG và có nhiều điểm đổi mới. 

Nhiều điểm mới trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo - Ảnh 1.

Họp bình xét hộ nghèo ở Hà Tĩnh.

Về công tác lập kế hoạch, Quy chế quy định cụ thể về yêu cầu lập kế hoạch thực hiện CTMTQG trong giai đoạn 5 năm và hàng năm giúp các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình trong dài hạn, phù hợp với việc thực hiện mục tiêu của từng chương trình trong cả giai đoạn 5 năm. Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định bổ sung về công tác lập kế hoạch thực hiện các CTMTQG trên địa bàn cấp xã để đảm bảo gắn với với nhu cầu của đối tượng thụ hưởng, cũng như chú trọng đến vai trò của cấp xã trong tổ chức thực hiện các chương trình.

Công tác huy động, phân bổ, sử dụng nguồn vốn, Quy chế quy định theo hướng đa dạng hóa các nguồn. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương chỉ đóng vai trò là ‟vốn mồi" để hấp thụ các nguồn vốn khác nhằm phát huy vai trò chủ động của từng cơ quan thực hiện CTMTQG, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Đồng thời, quy định trách rõ nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo huy động nguồn lực, vận động sự tham gia của cộng đồng, người dân thụ hưởng vào quá trình tổ chức thực hiện chương trình. 

Về tổ chức thực hiện, Quy chế quy định thống nhất trong quản lý, điều hành về CTMTQG ở trung ương và địa phương cũng như thống nhất đầu mối trong tổ chức điều phối, phối hợp thực hiện các CTMTQG ở mỗi cấp. Theo đó: Các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương thực hiện chức năng quản lý đối với các CTMTQG theo quy định của Luật đầu tư công; trong tổ chức điều phối, phối hợp thực hiện CTMTQG, chỉ thành lập duy nhất một Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương và một Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh về các CTMTQG theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 100/2015/QH13.

Quy chế quy định cụ thể sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương trong công tác: Xây dựng cơ chế, chính sách; kế hoạch thực hiện; hệ thống thông tin và trao đổi thông tin; cũng như phối hợp trong xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý, điều hành các chương trình để phát huy vai trò định hướng của Nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các CTMTQG.

Về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá, Quy chế quy định rõ về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá chương trình theo nhiệm vụ của từng cơ quan, đảm bảo theo phân cấp trong tổ chức thực hiện, cụ thể: Chủ chương trình phải xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả đầu ra thống nhất cho mỗi chương trình, ngay khi xây dựng chương trình để làm cơ sở giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu của từng chương trình; Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện CTMTQG phải có trách nhiệm trong chấp hành chế độ theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu về công khai minh bạch, Quy chế cũng quy định rõ vai trò giám sát của cộng đồng đối với việc triển khai thực hiện CTMTQG.

Bên cạnh đó, để thu gọn đầu mối và tăng cường sự phối hợp trong điều hành các CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 10/8/2016 và Quyết định số 317/QĐ-BCĐTWCTMTQG ngày 20/10/2016 về quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương các CTMTQG giai đoạn 2016-2020. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế làm việc của Ban chỉ đạo và mối quan hệ công tác giữa các thành viên Ban chỉ đạo trung ương và với các địa phương. Hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình công tác của Ban chỉ đạo trung ương, trong đó phân công từng thành viên Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và triển khai các nhiệm vụ cụ thể.

Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã hoàn thiện công tác kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, bám sát theo đúng yêu cầu là mỗi địa phương thành lập 1 Ban chỉ đạo cấp tỉnh (trừ TP Hồ Chí Minh).

Trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định và Nghị quyết, trong đó, có các quy định về áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng với điều kiện đơn giản hơn đối với một số dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016-202. Đồng thời, để có căn cứ lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước thuộc các CTMTQG, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.