Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều giải pháp hỗ trợ trẻ em sau đại dịch Covid-19

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo “Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19”. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đồng chủ trì hội thảo.

Cả nước có gần 4.500 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo ra những điều kiện để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến kinh tế và đời sống xã hội, nguy hại đến sinh mạng, sức khoẻ của nhân dân. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. Có nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm trong điều kiện mẹ mang thai bị mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em trong tương lai. Nhiều trẻ em đã mắc Covid-19 hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp, phải cách ly tập trung.

Đặc biệt, nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi, không nơi lương tựa, bị ảnh hưởng lâu dài do gia đình có nguy cơ đói nghèo, làm tăng số lao động trẻ em. Trẻ em đã phải tạm dừng đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập, tăng nguy cơ tỷ lệ bỏ học khi hết dịch Covid-19, nhất là các em nhỏ, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, nhưng lại làm tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Cả nước có gần 4.500 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 còn tác động nhiều chiều đến trẻ em như: Đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè.

Trước bối cảnh đó, thực hiện các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19”.

Những ưu tiên đầu tư cho trẻ em sau đại dịch

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, nhằm khắc phục những ảnh hưởng do dịch Covid-19 đối với trẻ em, trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 với các nội dung liên quan đến trẻ em.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em. Tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua mô hình “Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em”;  Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNCEF tại Việt Nam đánh giá cao các cam kết liên tục của Việt Nam đối với việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Bởi vì Việt Nam đã bắt đầu quá trình hiện thực hóa các cam kết và hành động chiến lược vì trẻ em trong mười năm tới. “Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng với những thách thức phức tạp do dịch bệnh, biến đối khí hậu và các hiểm họa thiên nhiên gây ra, tôi mong chúng ta rút ra kinh nghiệm và bằng chứng toàn cầu và kêu gọi Việt Nam thúc đẩy đầu tư công vào các lĩnh vực: Trợ giúp xã hội, đặc biệt là cho các gia đình có trẻ em; công tác bảo vệ trẻ em; giáo dục đặc biệt là học tập kỹ thuật số; các can thiệp liên quan đến dinh dưỡng; nước sạch và vệ sinh công bằng, thích ứng với biến đậu khí hậu”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.