Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều hãng tàu, doanh nghiệp kêu cứu sau vụ chìm tàu Viet Sunintegrity

(Dân sinh) - Sau vụ chìm tàu Viet Sunintegrity trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) khiến luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu bị tắc, nhiều hãng tàu khốn khổ vì chi phí phát sinh tăng ngất ngưởng.

Liên quan đến vụ chìm tàu Viet Sunintegrity trên sông Lòng Tàu, theo nguồn tin của PV, sau khi xảy ra vụ chìm tàu Viet Sunintegrity, việc hạn chế lưu thông luồng Lòng Tàu buộc các con tàu có mớn nước cao phải giảm tải, chuyển hướng qua luồng Soài Rạp để cập các cảng ở TP. Hồ Chí Minh khiến các hãng tàu phải đi xa hơn, chịu phát sinh thêm một lần các loại phí hoa tiêu, phí trọng tải, phí tàu lai…

Theo các hãng tàu, lượng lớn hàng xuất phải chuyển tàu và chia làm nhiều tàu nên phát sinh phí đảo chuyển nội bộ (số lượng hàng mỗi hãng tàu phát sinh thêm từ 50 - 200 triệu đồng).

Ngoài ra, các hãng tàu còn chịu thêm các chi phí vận hành tàu. Bởi, những tàu không có cầu bến hoặc bị neo tại phao chờ thủy triều, kéo dài thời gian lịch trình trên biển, phát sinh chi phí thuyền viên, nhiên liệu, thuê tàu mỗi ngày trung bình từ 10,000 - 20,000 USD/ngày. Do trễ lịch tại cảng dỡ hàng, các tàu phải tăng tốc để lấy lại lịch trình, dẫn đến phát sinh phí nhiên liệu trên biển, ước tính từ 3,000 - 5,000 USD/ngày.

Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng nhưng lượng chỗ trên tàu không đủ, các hãng tàu phải mua thêm slot bổ sung trên các tàu khác, hoặc book theo dạng SOC, khiến chi phí tăng thêm từ 20-50% cho mỗi lô hàng. Bên cạnh đó, các hãng tàu còn phải chịu thiệt hại tài sản vô hình về chất lượng dịch vụ, doanh số và thị phần…

Nhiều hãng tàu, doanh nghiệp kêu cứu sau vụ chìm tàu Viet Sunintegrity - Ảnh 1.

Hiện trường vụ chìm tàu Viet Sunintegrity trên sông Lòng Tàu.

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến ngày 4/11, đã có 38 tàu phải neo phao chờ cầu và chờ thủy triều mới có thể cập/rời cảng Tân Cảng - Cát Lái do mớn nước lớn; 22 tàu phải giảm tải tại Cái Mép - Thị Vải trước khi cập cảng Cát Lái.

Do hãng tàu giảm tải từ đầu nước ngoài, những lô hàng booking theo kế hoạch bị cắt, dẫn đến nhà máy bị thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến hàng thành phẩm xuất khẩu. Các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng khi thời gian cam kết giao nhận hàng hóa không đúng tiến độ…

Trước tình hình này, để giảm bớt những khó khăn cho các hãng tàu, Cục Hàng hải VN đã ban hành công văn số 4005 về việc hỗ trợ tàu thuyền có mớn nước lớn chuyển tải hàng hóa sau vụ tai nạn.

Cụ thể, đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) và cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) mà hãng tàu/đại lý hãng tàu đã ký hợp đồng dịch vụ xếp dỡ vận chuyển container với TCIT, TCTT; TCT TCSG hỗ trợ 50% giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa TCIT/TCTT và Cát Lái bằng sà lan.

Đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng TCIT và cảng TCTT mà hãng tàu/đại lý hãng tàu chưa ký hợp đồng, hỗ trợ giảm 26% giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa TCIT/TCTT và Cát Lái bằng sà lan. Ngoài ra, đối với các tàu giảm tải, làm hàng tại cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, TCT TCSG hỗ trợ giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa Tân Cảng - Hiệp Phước và Cát Lái…

Tuy nhiên, việc hỗ trợ này chỉ diễn ra trong thời gian nhất định chứ không thể kéo dài nhiều tháng vì nguồn kinh phí có hạn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cảng liên quan đến luồng hàng hải này cho hay, họ không thể giảm giá phí xuống sâu hơn nữa bởi mức giá phí hiện nay đang áp dụng đã là mức tối thiểu nhất.

Để hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam sớm trở lại bình thường, góp phần ổn định chỉ số phát triển kinh tế những tháng cuối năm nay, nhiều đơn vị cảng biển đã đề nghị cơ quan hữu quan nhanh chóng có giải pháp, phương án, tập trung nguồn lực trục vớt tàu chìm, khơi thông luồng sông Lòng Tàu trong thời gian sớm nhất.

Cục Hàng hải VN cũng đã có văn bản đề nghị nạo vét khẩn cấp đoạn luồng hàng hải Soài Rạp phục vụ điều tiết giao thông do sự cố tàu Viet Sunintegrity chìm trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Tống số kinh phí dự kiến khoảng 26 tỉ đồng, thời gian hoàn thành trong vòng 10 ngày.

Nguồn tin từ Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh cho biết, phương án trục vớt tàu chìm do chủ tàu trình đã được Cảng vụ duyệt theo chỉ đạo Của Phú cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng. Theo tìm hiểu của PV, phương án này đã được chủ tàu trình và Cảng vụ tổ chức hội nghị xem xét phê duyệt chiều 5/11 nhưng chưa phê duyệt. Cảng vụ trả lại chủ tàu để bổ sung một số nội dung theo yêu cầu. Theo nguồn tin của PV, phương án được duyệt chỉ bổ sung được một số chi tiết về an toàn lao động, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, điều tiết giao thông... Trong khi đó, chủ tàu chưa trình được năng lực cụ thể về phương tiện, thiết bị, nhân lực cụ thể... Thời gian hoàn thành xử lý xác tàu là 3 tháng.