Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều ngân hàng đua nhau giảm, miễn phí giao dịch

(Dân sinh) - Từ nay đến hết năm 2020, nhiều ngân hàng đua nhau giảm phí, miễn phí khi rút tiền tại cây ATM hoặc ngân hàng trực tuyến.

VTV đưa tin, chủ thẻ Vietcombank sẽ được giảm 500 đồng/giao dịch khi rút tiền mặt ở các cây ATM ngoài hệ thống. Ngân hàng Tiên Phong thông báo miễn toàn bộ phí chuyển tiền online tới tất cả ngân hàng thương mại trên ứng dụng Internet Banking. Chủ thẻ cũng sẽ không tốn phí khi rút tiền tại các máy ATM.

Thông tin trên VnExpress, ngân hàng Tiên Phong (TPBank) thông báo miễn toàn bộ phí chuyển tiền online tới tất cả ngân hàng thương mại tại Việt Nam khi khách hàng giao dịch trên ứng dụng Internet banking - TPBank eBank.

Đồng thời, khi dùng thẻ TPBank rút tiền tại các máy ATM trên toàn quốc (trừ một số ngân hàng nước ngoài như HSBC, Standard Chartered, ngân hàng liên doanh Việt - Nga) chủ thẻ cũng sẽ không tốn phí.

Tại Ngân hàng Nam Á, từ nay đến 31/12 cũng miễn 100% phí rút tiền, chuyển tiền và một số loại phí dịch vụ khác cho khách hàng mở tài khoản thanh toán và giao dịch tại ngân hàng. Đối với kênh ngân hàng điện tử, nhà băng này miễn phí chuyển khoản trong hệ thống và liên ngân hàng 24/7 cùng các loại phí dịch vụ Internet banking, SMS banking, Mobile banking và Open banking.

Nhiều ngân hàng đua nhau giảm, miễn phí giao dịch - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng miễn, giảm phí giao dịch.

Còn Ngân hàng Bản Việt thì cho biết miễn toàn bộ phí chuyển tiền trên Internet banking, Mobile banking với hạn mức giao dịch trong ngày lên đến 1,5 tỷ đồng trong vòng 3 tháng cho các chủ thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng của nhà băng này đăng ký và sử dụng thêm dịch vụ ngân hàng điện tử.

Cuộc đua miễn, giảm phí này không chỉ diễn ra ở khối ngân hàng tư nhân, ngay cả "ông lớn" như Vietcombank cũng nhập cuộc. Theo đó, từ 15/11 đến hết năm 2020, chủ thẻ ghi nợ nội địa Vietcombank sẽ được giảm 500 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt ngoài hệ thống. Mức phí mới sẽ là 2.500 đồng một giao dịch, thay vì 3.000 đồng (chưa gồm thuế GTGT) như trước đây.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã đưa ra các chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng sau khi Techcombank tiên phong áp dụng chính sách "Zero Fee" cho tất cả các giao dịch cá nhân trực tuyến từ cuối tháng 9/2016 và mở rộng chính sách này với khách hàng doanh nghiệp từ tháng 10/2018.

Như vậy, thay vì tăng phí dịch vụ một cách ồ ạt như kiểu "tận thu" trước đây và gặp không ít sự phản ứng từ khách hàng, thì nay nhiều nhà băng đã chuyển hướng sang miễn giảm phí dịch vụ nhằm kích thích nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ và nhất là thanh toán trong xu hướng bùng nổ kênh thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhìn nhận diễn biến này, các chuyên gia tài chính cho rằng việc ngân hàng đua miễn giảm phí là hướng đi tích cực. Vì miễn phí toàn bộ phí rút tiền và chuyển tiền sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng tài khoản cho tất cả nhu cầu thanh toán cá nhân. Khi thường xuyên sử dụng tài khoản, khách hàng sẽ có xu hướng duy trì số dư tài khoản cao hơn. Qua đó, ngân hàng thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn.

Và một khi nguồn vốn không kỳ hạn càng lớn thì càng giúp ngân hàng giảm giá vốn, gia tăng biên lợi nhuận. Ngoài ra, việc khách hàng duy trì số dư không kỳ hạn sẽ giúp thanh khoản các nhà băng tốt hơn, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong hai năm tới.

Mặt khác, việc miễn, giảm phí dịch vụ này cũng không hẳn khiến ngân hàng giảm doanh thu mà ngược lại có khi còn được nhiều hơn. Trong đó cái được dễ nhìn thấy là thu hút lượng lớn khách hàng tham gia mở tài khoản thanh toán, khi đó ngân hàng sẽ có cơ sở dữ liệu lớn và đây là nền tảng để họ bán chéo sản phẩm dịch vụ, bảo hiểm hoặc cho vay.