Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều nơi dùng từ “nghị gật”, vì nhân dân thì “nóng”, hội trường thì rất “lạnh”

(Dân sinh) - Theo đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP. Hà Nội) phải có cơ chế đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm ĐB HĐND. Nếu không sẽ không giải quyết vấn đề. Đại biểu nêu thực tế: “Có nhiều nơi người ta dùng từ là “nghị gật”, tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương cũng chỉ ngồi như thế thôi, không phát biểu được, nhân dân thì nóng, hội trường họp đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, cấp xã lại rất lạnh, không có đại biểu nào có ý kiến gì cả”, ông Hiểu nói.

Sớm muộn gì cũng phải cắt giảm số lượng cấp phó của HĐND

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một trong những vấn đề được quan tâm là có giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung còn nặng về vấn đề giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban, các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện mà chưa chú trọng nhiều đến việc sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của mô hình tổ chức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân không chỉ biểu quyết thông qua các vấn đề Ủy ban nhân dân tỉnh trình mà phải tăng cường đi vào chiều sâu, dự báo cân đối nguồn lực của địa phương, giữ vững định hướng phát triển của địa phương.

"Do vậy, phải đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân mà trực tiếp là Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân", bà Trang nêu ý kiến.

Nhiều nơi dùng từ “nghị gật”, vì nhân dân “nóng”, hội trường thì rất “lạnh” - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi)

Về cơ cấu tổ chức và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cũng nhất trí với việc giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp từ 10- 15% như dự thảo luật.

Tuy nhiên, ông Thưởng đề nghị cần nghiên cứu để giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo các sở, ban, ngành. "Đồng thời cần tăng số đại biểu đại diện cho các đoàn thể, doanh nghiệp hoặc tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách, vì nếu không có quy định theo hướng trên dẫn tới đại biểu Hội đồng nhân dân đa số kiêm nhiệm, là công chức, cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhà nước sẽ không đảm bảo tính đại diện, tính phản biện trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp", ông Thưởng lưu ý.

Theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn TP Đà Nẵng), giảm số lượng cấp phó là chủ trương của Đảng và là xu thế tất yếu nhằm tinh giản bộ máy biên chế nhà nước. Nữ đại biểu thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, việc cắt giảm biên chế là việc chúng ta đã và đang thực hiện chung ở tất cả các cơ quan trong bộ máy chứ không phải chỉ giảm ở cơ quan dân cử.

"Chúng ta thấy rất rõ đó là dân số phát triển nhất là ở một số đô thị lớn, dẫn đến hoạt động quản lý nhà nước ở mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội đều tăng nhưng số lượng cán bộ, công chức không tăng, như vậy đã là giảm biên chế rồi. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang phải cắt giảm 10% biên chế, do vậy, sớm muộn gì cũng phải cắt giảm số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân", bà Hoa nhấn mạnh.

Tuy việc cắt giảm này ở giai đoạn đầu sẽ khiến cho việc lãnh đạo, điều hành gặp một số khó khăn nhất định, nhưng theo đại biểu Như Hoa, có lẽ chúng ta phải chấp nhận để đạt được mục tiêu mà Đảng đã đặt ra.

"Ở các nước phát triển số lượng cấp phó cũng rất ít và hầu như các nước chỉ bố trí 1 cấp phó, tuy nhiên việc điều hành công việc vẫn thông suốt và có hiệu quả", bà Hoa thông tin thêm.

Chỉ 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, riêng việc đi họp đã thiếu người

Cho ý kiến, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) đề nghị, giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có một Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. Theo bà, nhiệm vụ của HĐND tỉnh, trong đó nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh có 10 nhóm nhiệm vụ, chưa kể còn những nhiệm vụ khác.

"Với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp tức là phân quyền. Do vậy, tăng cường giám sát là hết sức cần thiết", bà Hằng nói.

Nhiều nơi dùng từ “nghị gật”, vì nhân dân “nóng”, hội trường thì rất “lạnh” - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh)

Bà Hằng cho rằng, nếu chọn quy định "lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách" thì lại có 2 phương án xảy ra.

"Nếu như Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp chỉ 1 Phó Chủ tịch cũng rất thiếu người", đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.

Từ đó, bà Hằng đề nghị, quy định rõ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. Tương tự, có 2 Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.

"Như thế rất rõ, ta không nên đưa ra phương án nếu - thì trong luật", bà Hằng phát biểu.

Chung quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, mỗi tỉnh có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách không phụ thuộc Chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Đưa ra lý do, theo vị đại biểu đoàn Thành phố Hà Nội, trong định hướng của Đảng dự kiến đa số Bí thư sẽ là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, trường hợp chuyên trách là tình huống không phổ biến, không kéo dài. Hơn nữa, giám sát đòi hỏi chuyên môn cao, với hai Phó Chủ tịch mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát, khi đó mới có hiệu quả.

Về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, ông Hiểu đồng ý "dứt khoát phải giảm, chỉ còn một".

"Nghị gật"đại biểu không hiểu tình hình địa phương

Dù vậy, theo quan điểm của ông Hiểu, khi bàn giảm hay tăng đại biểu hoạt động chuyên trách thì giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào cần giữ thì phải giữ

"Quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu Hội đồng nhân dân, đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không dù tăng biên chế, giữ nguyên hay thế nào thì cũng không giải quyết được".

Theo đó, đại biểu nêu thực tế: "Có nhiều nơi người ta dùng từ là "nghị gật", tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương cũng chỉ ngồi như thế thôi, không phát biểu được. Nhân dân thì "nóng", hội trường họp đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, cấp xã lại rất "lạnh", không có đại biểu nào có ý kiến gì cả", ông Hiểu phát biểu ở nghị trường.