Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành - Đại nội Huế

Chiều ngày 26/5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức họp báo, công bố giải thưởng và trao giải cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành”.

Ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải nhất cuộc thi cho tác giả Nguyễn Minh Anh

Ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải nhất cuộc thi cho tác giả Nguyễn Minh Anh

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng độc đáo, sáng tạo từ các nhà thiết kế, kiến trúc sư, tạo dựng một kiến trúc phù hợp với không gian di sản, và giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông đô thị tại Cửa Ngăn, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho du khách, đồng thời tạo nên một kiến trúc độc đáo hấp dẫn khách du lịch.

Cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào nối Thượng thành” diễn ra từ ngày 20/3/2023 đến ngày 20/4/2023 và nhận được 64 phương án từ 59 tác giả/ nhóm tác giả.

Hội đồng chấm thi cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào nối Thượng thành” gồm 8 Giám khảo, tiến hành chấm thi qua 2 vòng để chọn ra những phương án đầy tính sáng tạo, phù hợp với không gian di sản, sử dụng vật liệu phù hợp, ứng dụng công nghệ mới để phát huy tính bảo tồn thích nghi di sản, tạo hệ sinh thái mang tính cộng đồng, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản Văn hóa. 

Quá trình bình chọn online cũng diễn ra trên trang Fanpage của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế từ ngày 10/5/2023 đến hết ngày 24/5/2023.

Ban tổ chức đã trao 2 giải ba, 1 giải nhì, 1 giải nhất và giải được yêu thích nhất. 

Tác giả Minh Anh giới thiệu về ý tưởng thiết kế của mình

Tác giả Minh Anh giới thiệu về ý tưởng thiết kế của mình

Dịp này, các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu cũng trao đổi, phân tích và đưa ra ý kiến cho các phương án. Từ đó, đóng góp ý tưởng xây dựng nhưng vẫn đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hoá.

TS Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, cần hết sức cẩn trọng và phải có chiến lược lâu dài đối với việc xây dựng cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành. Đối với cổng thành đi vào Đại nội, kết hợp giữa 3 yếu tố: tường thành, hệ thống lan can, các vọng lâu và hệ thống cầu đá bắc qua Hộ thành hào. Đây là sự hội tụ của nghệ thuật quần thể kiến trúc với quy mô đồ sộ.

Về thiết kế cây cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, TS Phan Tiến Dũng cho rằng, cầu với một độ dốc lớn để nối Thượng thành sẽ gây khó khăn đối với du khách. Và điều kiện thời tiết của địa phương là nắng gắt, mưa nhiều nên cần nghiên cứu phương án thực sự phù hợp.

TS Phan Tiến Dũng đề nghị thành lập hội đồng chuyên môn bao gồm Bộ VH-TT&DL, Hội xây dựng, Hội Kiến trúc sư… nhằm tư vấn cho Trung tâm Bảo tồn Di tích, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để trình Chính phủ, cao hơn nữa là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO).

Empty
Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ nối Hộ Thành Hào nối Thượng Thành - Đại nội Huế đạt giải nhất cuộc thi

Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ nối Hộ Thành Hào nối Thượng Thành - Đại nội Huế đạt giải nhất cuộc thi

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế đềnghị, con đường không chỉ đi bộ để giải quyết việc ách tắc giao thông, mà còn có thể là điểm nhấn cho du khách khi đi lên có cơ hội được nhìn ngắm Kinh thành Huế trong một không gian tổng quan, để thấy được vẻ đẹp, tính chất diễm lệ, tính chất cân xứng, hài hòa của công trình.

Vẫn còn nhiều ý kiến về tính khả thi của các ý tưởng do vướng mắc các quy định của Luật Di sản

Vẫn còn nhiều ý kiến về tính khả thi của các ý tưởng do vướng mắc các quy định của Luật Di sản

Một số ý kiến cho rằng việc xây dựng cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào, rồi băng qua tường thành của kinh thành Huế sẽ vi phạm Luật Di sản. Về vấn đề này, ông Hoàng Viết Trung lý giải, đây là cuộc thi ý tưởng để xử lý, ứng xử trước một vấn đề xã hội, còn chuyện thực hiện hay không đều có quy định, có luật định. “Trước hết cần nhận được sự đồng thuận đại đa số của công chúng, tất cả việc làm này đều vì lợi ích của xã hội. Ban tổ chức sẽ sàng lọc những cái hay, cái đẹp, khả thi phù hợp để báo cáo với cấp có thẩm quyền và cấp cuối cùng là UNESCO. Cấp nào công nhận di sản muốn làm gì trong khu vực một di tích thì cần có sự đồng ý của cấp đó” - ông Hoàng Viết Trung nói thêm.