Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhóm cán bộ giáo dục lãnh gần 15 năm tù vì xà xẻo tiền hỗ trợ học sinh nghèo

(Dân sinh) - Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt sơ thẩm 7 năm tù đối với bị cáo Phan Trung Dũng (SN 1984), trú tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh; 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Sang (SN 1983), trú thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh; 2 năm tù đối với bị cáo Phan Thị Hồng Ca (SN 1990), trú thị trấn Nhơn Hòa, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, Dũng nguyên là kế toán, Sang nguyên là thủ quỹ, Ca nguyên là thủ quỹ phòng Giáo dục Đào tạo huyện Chư Pưh. Từ năm 2013 đến năm 2015, ông Phùng Văn Tuấn-nguyên Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Chư Pưh (đã chết) cùng với 3 người trên đã có hành vi sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ ăn trưa cho 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh bán trú với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Theo đó, nhóm này đã nhận tiền từ kho bạc nhưng không cấp phát cho các trường có học sinh được hưởng theo danh sách mà sử dụng để chi cho các khoản chi thường xuyên như chi lương và phụ cấp hơn 524 triệu đồng, chi thuê xe hơn 397 triệu đồng; chi mua sắm hơn 617 triệu đồng, chi tiếp khách hơn 447 triệu đồng, chi quà biếu hơn 318 triệu đồng…

Nhóm cán bộ giáo dục lãnh gần 15 năm tù vì xà xẻo tiền hỗ trợ học sinh nghèo - Ảnh 1.

Phòng Giáo dục đào tạo huyện Chư Pưh

Giải thích vấn đề này, các bị cáo cho rằng giai đoạn 2010-2015, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Chư Pưh sử dụng kinh phí theo kiểu gối đầu bằng cách rút dự toán các khoản chi sau để chi trả cho các khoản chi trước. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 trở đi thì các khoản chi không có trong dự toán và các khoản chi không thể quyết toán được ngày càng lớn. Chính vì vậy, khi nhận tiền chế độ cho học sinh thì ông Tuấn đã chỉ đạo Dũng, Sang, Ca tiếp tục dùng để chi các khoản chi thường xuyên phát sinh từ thực tế, còn tiền chế độ cho học sinh sẽ tiếp tục xin bổ sung rồi cấp phát cho các trường sau. Tuy nhiên sau đó, Phòng không thể xin được kinh phí bổ sung dẫn đến thất thoát hơn 2,8 tỷ đồng.

Ngày 17/1/2016, ông Tuấn chết do mắc bệnh hiểm nghèo, lúc này Thanh tra tỉnh Gia Lai vào cuộc và xác định có dấu hiệu vi phạm hình sự nên đã chuyển hồ vụ việc cho Công an tỉnh Gia Lai điều tra. Lúc này, ông Dũng đã sang làm cán bộ Thanh tra huyện Chư Pưh, bà Ca đang làm cán bộ tại Đội Công trình-Đô thị huyện Chư Pưh, còn bà Sang thì qua làm cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Chư Pưh. Đến tháng 4/2019, Cơ quan điều tra bắt giam các cán bộ trên. Cũng theo cáo trạng, sau khi Công an vào cuộc, vợ ông Tuấn đã nộp 200 triệu đồng, bị cáo Dũng đã nộp 980 triệu đồng, bị cáo Sang đã nộp gần 178 triệu đồng, bị cáo Ca nộp 30 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc vợ ông Tuấn phải nộp thêm vào ngân sách khoảng 800 triệu đồng, bị cáo Dũng nộp thêm gần 20 triệu đồng, bị cáo Sang nộp thêm gần 450 triệu đồng, bị cáo Ca nộp thêm hơn 27 triệu đồng để khắc phục phần hậu quả còn lại.