Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những ai là họa sĩ đương đại hàng đầu?

“Triển lãm tác phẩm của 19 họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Họ là những người cầm cọ tên tuổi, được công chúng yêu mỹ thuật biết đến và là những tác giả bán được nhiều tranh. Tuy nhiên, để xác định tiêu chí “hàng đầu” trong giới mỹ thuật hiện nay cũng không đơn giản.

Những họa sĩ đương đại hàng đầu, họ là ai? - Ảnh 1.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không tổ chức khai mạc song vẫn trưng bày để công chúng có dịp thưởng lãm từ ngày 6 - 15/8/2020. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chính là giám tuyển của triển lãm đã nói rõ tiêu chí để lựa chọn tác giả tham gia triển lãm như sau: Chọn những người có tác phẩm chất lượng nghệ thuật; có giao dịch mua bán tương đối nhiều, trong khoảng thời gian 20 năm, chứ không phải mới bán được tranh 3 - 4 năm trở lại đây. 

19 họa sĩ tham gia triển lãm gồm: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Phạm An Hải, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Phạm Luận, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Lê Thanh Sơn, Vũ Đình Tuấn, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Tấn Cương, Lê Kinh Tài, Trần Văn Thảo, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung. 

Những họa sĩ đương đại hàng đầu, họ là ai? - Ảnh 2.

Theo họa sĩ Phạm An Hải, 19 họa sĩ góp mặt trong triển lãm lần này được chọn lựa "tương đối chính xác", bởi: "Về cơ bản họ đều là những người nghề nghiệp vững vàng có sức ảnh hưởng nhất định đến nền mỹ thuật Việt Nam". Phạm An Hải được đánh giá là họa sĩ của dòng trừu tượng thành công bậc nhất hiện nay tại Việt Nam. Anh cũng là một trong những họa sĩ xác lập giá tranh cao nhất hiện tại và nằm trong danh sách những "họa sĩ triệu đô" của Việt Nam.

 Một người nổi tiếng khác trong làng hội họa, họa sĩ Phạm Luận lại cảm thấy "oải", bởi theo anh để xác định những tên tuổi bán được tranh trên thị trường trong thời gian dài cũng khá khó bởi: "Thực ra rất tế nhị. Bản thân tôi không muốn cái gì cũng phải chứng minh". Nhưng Phạm Luận bán được tranh hay không có lẽ những người làm nghề, những người yêu hội họa đều biết. Anh khiêm tốn nói rằng:  "Việc tôi, tôi làm và tôi yêu thích. Tôi sống được hoàn toàn bằng nghề. Tôi không có nghề gì chỉ nghề vẽ. Tôi làm nghề, tôi nuôi được tôi, để có thể vẽ, thế thôi. Tôi vẽ thoải mái tranh lớn, tranh nhỏ. Như thế cũng là tốt rồi". 

Những họa sĩ đương đại hàng đầu, họ là ai? - Ảnh 3.

Liệu có theo dõi được tình trạng bán tranh của họa sĩ không? Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cười: Câu hỏi này chơi khó nhau rồi.  Ông cũng công nhận như Phạm Luận: "Đây là câu chuyện hết sức tế nhị. Lộc giời cho đến đâu, chính họ biết. Ta cũng chỉ biết thông tin bên ngoài. Ngay cả đồng nghiệp nhìn nhau cũng chỉ biết vậy. Bản thân người bán được tranh cũng chưa bao giờ chia sẻ họ bán được bao nhiêu tranh, giá tranh cao nhất của họ bao nhiêu".

Ông Lương Xuân Đoàn khẳng định: Lựa chọn 19 gương mặt tham gia triển lãm là chính xác. Đây là những họa sĩ có tranh được quan tâm kể cả nhà sưu tập trong nước lẫn gallery nước ngoài, đặc biệt ở thời kỳ đầu của đổi mới. Nhưng ông không đồng ý khi gọi 19 họa sĩ được vinh danh trong triển lãm là những họa sĩ ăn khách nhất thị trường tranh Việt. "Đừng nói thế. Nói thế làm tổn thương họa sĩ. Đây là những họa sĩ có duyên với thị trường tranh nội địa ở Việt Nam. Nói chữ duyên nhẹ nhõm hơn và chính xác hơn. Ở đây không bàn chuyện người này bán hơn người kia vì nó là thị hiếu. Làm sao quyết định được cao/ thấp thế nào về thẩm mỹ?". 

Những họa sĩ đương đại hàng đầu, họ là ai? - Ảnh 4.

Ảnh trong bài: Tác phẩm tham gia triển lãm của Phạm An Hải và Phạm Luận.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, những tranh luận trước thềm triển làm chỉ làm khổ nhau, làm những người tham gia triển lãm ái ngại: "Bây giờ cũng phải sòng phẳng ghi nhận hội họa Việt có một thời như thế, có những họa sĩ như thế, còn sau này họ có hay nữa hay không, còn có tầm ảnh hưởng hay không đối với xu thế của nền mỹ thuật Việt Nam hay không là chuyện khác". 

Trước những luồng ý kiến khác nhau, họa sĩ Vi Kiến Thành, người giữ vai trò giám tuyển của triển lãm chia sẻ: "Giám tuyển có quan điểm nhìn nhận riêng. Không bao giờ chiều hay thỏa mãn được mọi người. Tôi rất muốn mọi người sẽ đưa ra những lựa chọn khác tôi theo đánh giá nhận định của họ. Như thế sẽ tạo ra cuộc tranh luận học thuật với những nhìn nhận khác nhau, sẽ giúp cho mọi người tự rút ra những suy nghĩ tích cực về thị trường mỹ thuật hiện nay. Cứ tranh luận thoải mái".