Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những biểu hiện suy thận hay bị mọi người bỏ qua

Ăn không ngon, đi tiểu đêm nhiều lần hoặc đau khớp có thể là triệu chứng của các bệnh liên quan tới thận.

Các bệnh về thận có rất nhiều lý do khác nhau như hút thuốc, lạm dụng rượu, nhịn tiểu, thức khuya và chế độ ăn. Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ gửi nhiều tín hiệu khác nhau ngay từ giai đoạn sớm.

Những biểu hiện suy thận hay bị mọi người bỏ qua - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Boldsky.

Nếu bạn không để ý các triệu chứng ban đầu của bệnh thận, việc điều trị ở các giai đoạn sau đó sẽ khó khăn hơn nhiều:

Nước tiểu có bọt

Biểu hiện tiêu biểu nhất của bệnh thận là nước tiểu có bọt do chức năng thận suy giảm. Khi đó, việc hấp thụ protein của thận không được ổn định, dẫn tới đạm niệu (có protein trong nước tiểu) và nảy sinh bọt ở nước tiểu.

Bởi vậy, để ngăn ngừa các bệnh liên quan tới thận, bạn cần quan sát nước tiểu để phát hiện ngay các bất thường.

Thường xuyên tiểu đêm

Thận chịu trách nhiệm trong việc lọc và bài tiết nước tiểu. Nếu thận có vấn đề không chỉ gây ra đạm niệu mà còn khiến tần suất đi tiểu gia tăng.

Khi bạn khỏe mạnh, hiện tượng thức dậy lúc nửa đêm tương đối hiếm, thường chỉ một lần. Tuy nhiên, nếu bạn tỉnh dậy nhiều lần mỗi đêm, có thể thận của bạn đang trục trặc.

Phù chân

Thận tham gia vào quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể, tạo ra nước tiểu. Khi thận yếu, nước sẽ tích tụ trong người. Qua thời gian, hiện tượng phù sẽ xuất hiện, đặc biệt ở bàn chân và mí mắt.

Những biểu hiện suy thận hay bị mọi người bỏ qua - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Pedsinreview.

Ăn mất ngon

Khi có bệnh thận, bạn sẽ mất cảm giác thèm ăn. Lúc này, bệnh nhân sẽ không muốn ăn và cảm giác ngon miệng suy giảm. Sau đó, toàn bộ cơ thể sẽ uể oải và xuống sức.

Ngay từ giai đoạn sớm của bệnh thận, cảm giác mệt mỏi tinh thần cũng khá rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, người ốm có thể thêm các triệu chứng như buồn nôn, hơi thở có mùi hôi.

Đau khớp

Khi thận không hoạt động tốt, dễ dàng dẫn tới tình trạng tăng lượng axit uric máu. Nồng độ axit uric vượt quá độ bão hòa sẽ gây ra viêm khớp. Nếu kéo dài, việc này sẽ trở thành một vòng tròn tác hại, khiến chức năng của thận tiếp tục suy giảm.

Ngoài ra, người có bệnh thận dễ rơi vào tình trạng thiếu máu và nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Khi có các biểu hiện như trên, bạn nên đi khám sức khỏe. Phát hiện sớm, chữa trị sớm sẽ có cơ hội khỏi bệnh nhanh.

Ngoài ra, bạn nên duy trì các thói quen tốt như không hút thuốc, không uống rượu, không nhịn tiểu, ăn vừa đủ và tập luyện mỗi ngày.

Chú ý trong điều trị: Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa và các sản phẩm giáng hóa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, phosphor, calo và các chất khác trong bữa ăn hằng ngày. Chế độ dinh dưỡng thận trọng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận. Về thuốc, cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu, thuốc giúp cho xương khỏe bằng vitamin D3, canxi... theo chỉ định của thầy thuốc. Vận động thường xuyên vẫn rất cần thiết cho người có bệnh thận mạn tính vì giúp tăng sức khỏe, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.

Lời khuyên của thầy thuốc: Để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao như đã nói trên không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để. Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp; không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận; không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu; khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu... theo chỉ dẫn của thầy thuốc.