Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng

Ưu đãi người có công với cách mạng là phần tri ân, biết ơn của Nhà nước Việt Nam, các cá nhân, tổ chức Việt Nam đối với các cá nhân, thân nhân của các cá nhân có công trong quá trình thành lập Nhà nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên quá trình thực hiện ưu đãi người có công vẫn có thể xảy ra những sai phạm, vi phạm, ảnh hưởng chính đến các quyền lợi của những người có công.

Các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Long Đất.

Các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Long Đất.

Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 (Pháp lệnh 02) quy định đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

1. Người có công với cách mạng bao gồm (12 nhóm đối tượng): Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;  Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ;  Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;  Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh;  Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày (mở rộng đối tượng Người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975);  Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế (mở rộng đối tượng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng); Người có công giúp đỡ cách mạng.

2. Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Theo Điều 7 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 04 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng:

1. Khai báo gian dối, giả mạo, giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.

3. Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

4. Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.

Điều 55 của Pháp lệnh cũng quy định việc xử lý vi phạm đối với lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

1. Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng ché độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết định công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.

2. Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.

3. Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Người vi phạm quy định về quẩn lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.