Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những lễ vật không thể thiếu trong ngày tiễn ông Táo về trời

Mâm cỗ ông Công ông Táo không cần phải cầu kỳ nhưng cần phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ.

Phong tục tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là một tín ngưỡng thờ cúng dân gian của dân tộc ta. Theo đó, tín ngưỡng này thờ cúng các vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình.

Tín ngưỡng này mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lượng thiện qua tích Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm.

Cũng theo đó, cứ đến ngày 23 tháng Chạp tức 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, các gia đình người Việt sẽ làm mâm cơm nhỏ tiễn ông Táo về trời, để báo cáo mọi việc lớn nhỏ với Ngọc Hoàng.

Những lễ vật không thể thiếu trong ngày tiễn ông Táo về trời - Ảnh 1.

Mâm cơm đó tùy vào điều kiện mỗi người mà có thể làm lớn hay nhỏ nhưng nhất thiết phải có những món sau để tỏ rõ thành ý của gia chủ.

1. Lễ vật

- Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.

- Tiền vàng.

- 1 chiếc áo, 1 đôi hia bằng giấy và hình cá chép bằng giấy.

Những lễ vật không thể thiếu trong ngày tiễn ông Táo về trời - Ảnh 2.

Những bộ lễ vật này thường bày bán tại các chợ rất nhiều giá bán từ 50.000 đến 180.000 đồng/bộ. Ngoài ra ở miền Bắc, người ta còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" nhưng tại Nam bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.

2. Mâm cỗ

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.

Những lễ vật không thể thiếu trong ngày tiễn ông Táo về trời - Ảnh 3.

Mâm cúng ông Táo.

- Thịt heo luộc, gà luộc hoặc quay, đĩa rau xào, hành muối, xôi gấc, giò heo, canh mọc, cá chép nướng, trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu...

Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình.

Các gia đình làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời với một mâm cỗ rất thịnh soạn, ngụ ý xin ông Táo thưa với Ngọc Hoàng những gì tốt đẹp, những chuyện xấu không hay sẽ được nói ít đi. Việc làm này là do văn hóa truyền thống, thói quen xưa truyền lại.

Trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà bạn có bàn thờ Táo quân (thường đặt ở bếp) thì thắp hương ở bàn thờ này.

Còn không có bàn thờ ông Táo thì có thể cúng thắp hương tại bàn thờ thần linh, tổ tiên. Không nên cúng ở bếp vì bàn thờ là nơi giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần và thần linh.

3. Thời gian cúng ông Công ông Táo

Theo các chuyên gia phong thuỷ, lễ cúng ông Táo cần phải được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.

Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Những lễ vật không thể thiếu trong ngày tiễn ông Táo về trời - Ảnh 5.

Làm lễ tiễn ông Táo xong thì gia đình cùng nhau lau chùi bàn thờ tổ tiên, treo tranh, câu đối ở những nơi sang trọng. Cầu cho một năm mới bình an, gia đình hạnh phúc ấm no, phúc lộc đầy nhà….

Tiễn ông Táo về trời là phong tục truyền thống của người Việt vào những ngày cuối năm. Đây được xem là thời khắc quan trọng mà mọi người mong muốn ông Táo trình báo những vấn đề xảy ra trong năm qua và mong Ngọc Hoàng giúp đỡ nhân dân một năm mới thuận lợi hơn. Thế nên bạn cần quan tâm đến những vật cúng trong ngày đưa ông Táo về trời để tỏ rõ thành ý của mình.