Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những mối đe dọa đằng sau mức tăng 40 tỷ USD giá trị vốn hóa của Tencent

Kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng nổ, giá trị thị trường của Tencent đã tăng hơn 39 tỷ USD, bất chấp chứng khoán toàn cầu lao dốc không phanh và kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh kỷ lục. Phiên sáng nay (11/5), cổ phiếu này tăng khoảng 2%, lên cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.

Nhờ sự thống trị trên thị trường Internet, từ game online đến mạng xã hội, Tencent đã "sống tốt" trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Bloomberg, khi toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đang nổi lên sau giai đoạn có thể là tồi tệ nhất, mối đe dọa dài hạn đối với Tencent sẽ là sự lớn mạnh của những đối thủ sẽ thách thức vị trí dẫn đầu của ông lớn này.

Tencent sẽ công bố kết quả kinh doanh vào ngày 13/5 tới và được dự báo doanh thu sẽ tăng 18%. Đây là sự kiện được mong chờ vì sẽ phác họa những nét đầu tiên của bức tranh về cách thích nghi với dịch bệnh của ngành Internet Trung Quốc trong quý I vừa qua. Con số 18% thấp hơn so với 20% trong quý trước đó, tuy nhiên vẫn là 1 con số đáng mừng nhờ các mảng điện toán đám mây và dịch vụ tài chính cùng với mảng giải trí phục vụ những người bị buộc phải ở trong nhà.

Kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng nổ, giá trị thị trường của Tencent đã tăng hơn 39 tỷ USD, bất chấp chứng khoán toàn cầu lao dốc không phanh và kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh kỷ lục. Phiên sáng nay (11/5), cổ phiếu này tăng khoảng 2%, lên cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên Tencent vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những ông lớn như Alibaba và ByteDance. Giống như ở thung lũng Silicon cách đây vài năm, khi những ông lớn từ Amazon đến Facebook, xâm chiếm "lãnh địa" của những công ty khác với nguồn tiền mặt dồi dào, các tập đoàn công nghệ lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc có thể vươn ra ngoài những lĩnh vực chính, có thế mạnh từ trước đến nay để lấn sân sang những dịch vụ khác, từ quảng cáo đến thanh toán online hay game, cạnh tranh trực tiếp với Tencent.

ByteDance, công ty đứng sau mạng xã hội đình đám TikTok, đã thu hút người dùng và các nhà quảng cáo rất nhanh và đang chuẩn bị lấn sân vào lĩnh vực game. Ant Financials của Alibaba đang có tham vọng phát triển siêu ứng dụng của riêng mình, học hỏi thành công của WeChat. Và kể cả Pinduoduo, nền tảng giống Groupon đang được Tencent hậu thuẫn, cũng lấn sân sang cả dịch vụ live-streaming và quà tặng ảo để giữ chân khách hàng.

Những nỗ lực này xảy ra vào đúng thời điểm mảng game của Tencent đang bão hòa. Những tựa game đình đám như Honor of Kings và Peacekeeper Elite đã có thêm hàng triệu người chơi mới trong thời kỳ Trung Quốc phong tỏa nhưng chưa biến tất cả mọi người thành người chơi trung thành. Theo Bloomberg Intelligence, doanh thu từ mảng game di động thậm chí có thể giảm trong quý I. Ngược lại, mảng game của Alibaba đã vươn lên mạnh mẽ trong vài tuần gần đây.

Nhìn dài hạn hơn thì ByteDance chính là mối đe dọa lớn nhất. Hãng này đang tìm cách khai thác nền tảng mạng xã hội để phân phối game giống như Tencent đã làm hơn 1 thập kỷ trước. ByteDance đã xây dựng được mảng game có hơn 1.000 nhân sự mà trong đó nhiều người là từ Tencent chuyển sang, dự kiến sẽ sớm ra mắt 2 game hardcore trong thời gian tới.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong nước đã thôi thúc Tencent tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài như Nga và Trung Đông. Quý IV/2019, các tựa game quốc tế đóng góp 23% tổng doanh thu của mảng game online. Tencent cũng dự định ra mắt ứng dụng âm nhạc Joox tại quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Hiện fintech và đám mây là 2 mảng tăng trưởng nhanh nhất của hãng, đóng góp hơn 1/4 doanh thu năm 2019. Tuy nhiên mảng fintech đã bất ngờ chịu thiệt hại trong quý I vì các cửa hàng nhỏ - nhóm khách hàng lớn nhất của phương thức thanh toán quét QR code bằng tài khoản WeChat – phải đóng cửa trên toàn quốc. Hiện ứng dụng thanh toán trực tuyến của Alipay hiện đã có hơn 600 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.

Đối với mảng đám mây, đại dịch có lợi khi đem đến nhiều khách hàng hơn vì nhiều người lao động phải ở nhà và phụ thuộc vào những phần mềm làm việc trực tuyến. Nhưng nhóm khách hàng doanh nghiệp (vốn là nguồn doanh thu quan trọng hơn) lại phải trì hoãn những dự án lớn. Năm 2019 doanh thu từ mảng đám mây của Tencent vượt mốc 17 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,4 tỷ USD), so với mức 35,5 tỷ nhân dân tệ của Alibaba. Tháng trước Alibaba tuyên bố sẽ đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ vào cơ sở hạ tầng đám mây trong 3 năm tới.